Vietnam Single Tim Ban Bon Phuong  


HOME  -  FORUM  -  REGISTER  -  MY ACCOUNT  -  NEW  PHOTOS  -  BROWSE  -  SEARCH  -  POEM  -  ECARD  -  FAQ  -  NCTT  -  CONTACT

Sponsored links


Diễn Đàn
 Những chủ đề mới nhất
 Những góp ý mới nhất
 Những chủ đề chưa góp ý

 
NCTT Những chủ đề mới nhất

NCTT Những góp ý mới nhất
NCTT Website


Who is Online
 

 

Forum > Truyện ngắn >> Đám cưới (I)(ST)

 Bấm vào đây để góp ý kiến

1

 nguoihaiduong
 member

 ID 71694
 03/26/2012



Đám cưới (I)(ST)
profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email -goi thu   Thong bao bai viet spam den webmaster  edit -sua doi, thay doi edit -sua doi, thay doi  post reply - goy y kien


Đã ba hôm nay gã được làm người tự do. Vợ đưa con đi du lịch nước ngoài cùng cơ quan. Gã thấy sướng lắm. Muốn làm gì thì làm. Muốn về muộn bao lâu thì về. Ở một mình nên muốn quăng thứ gì vào chỗ nào thì quăng. Chỉ tội các món ăn giống nhau kéo dài vài ba hôm, thấy oải.

Đến ngày thứ tư thì gã tự cho phép mình đi ăn hiệu. Một bữa sang trọng. Kết thúc là hoa quả. A, có kem à? Thêm kem. Và cà-phê buổi tối.

Hoàn toàn vắng bóng câu hỏi tại sao kem, tại sao không là sữa chua, tại sao cà-phê giờ này? Kem! Cà-phê tối! Xong, thấy nhạt miệng, thêm cốc rượu mạnh. Cóc cần quy luật hay thứ tự ăn uống gì, miễn là thấy thích. Rồi ngất ngưởng về nhà.

Căn hộ nhà gã nằm ở tầng 11, cuối hành lang, trong khu nhà CT7. Nhà quái nào cũng ký hiệu bằng chữ CT (cao tầng), chỉ khác nhau con số. Khi mua nhà, gã chọn CT7, vì gã thích số 7, cho dù tầng hầm gửi xe tối âm u và ẩm ướt một nửa.

Gã lại chọn phòng cuối cùng, phòng 1115, vì nó có một cửa sổ trông ra cánh đồng, cửa sổ khác lại trông sang một khu CT khác. Gã thích cửa sổ. Nhưng gã không thích thang máy, vì luôn có cảm giác sai lệch trọng lượng thực.

Gã còn thích nện gót giầy trong hành lang vắng. Có lần đi giầy đế cao su, không gõ được, gã tức tối quăng giầy vào xó tủ, cho dù đôi này gã rất ưng.

Trong lúc đang sung sướng đi trong hành lang, từ xa gã đã phát hiện trước cửa nhà mình có cái gì trăng trắng, giống như một cánh bướm đậu vào cửa. Cánh bướm? Lãng mạn nhỉ? Chắc do cốc rượu mạnh hơi to.

Đến gần, gã nhận ra không có chim bướm gì hết, mà là một hình tam giác bằng giấy cắm vào khe cửa. Gã chột dạ. Một hóa đơn phải thanh toán? Cơ quan triệu tập gấp? Hay một thông báo nghiêm trọng gì đó?

Gần nữa, gã nhận ra một phong bì màu hồng. Ô may quá, hay không may, một thiếp mời đám cưới.

Cặp tờ thiếp mời vào nách, gã rút chìa khóa, mở cửa. Lập chập mãi mới vào được nhà. Nhẹ hẳn người. Thở phào. Người ta, cũng như bất kỳ con vật nào, vẫn yêu cái ổ của mình, cho dù nó to hay nhỏ, sạch bong hay bẩn thỉu, lắm đồ hay chỉ có mỗi cái chiếu rách.

Chẳng cần cởi giầy, chẳng cần thay quần áo, gã nằm xoài ra giường, đầu nằng nặng. Nhà lắc lư. Xem nào, thiếp mời cưới của ai nào?

Nguyễn Miên Hùng lấy Lê Kim Hoa? Không quen. Chắc quen bố mẹ chúng nó? Gã tia ánh mắt xuống phía dưới, chăm chú đọc bốn cái tên liền. Cũng lạ hoắc. Hay quen ông bà chúng nó? Phải đến tám cái tên? Ô không, cỡ mình cũng đứng tuổi nhưng chưa già đến thế.

Ngẫm nghĩ. Lục lọi. Không giống bất cứ cái tên nào quen thuộc trong họ hàng. Không trùng với bất cứ ai trong cơ quan. Bạn bè cũng không. Gã làm gì có nhiều người quen và bạn bè đến nỗi không nhớ nổi tên họ?

Con người ta càng ngày càng nhiều mối quan hệ nhưng càng ít người thân quen. Chắc có nhầm lẫn gì ở đâu đây.

Gã lật đi lật lại tấm thiếp mời. Xem nào, nếu nhầm, thì họ gửi cho ai? A ha, gửi cho một cái thằng có tên hệt như mình! Nhưng họ tên rất có thể trùng.

Mấy triệu người ở Hà Nội lại không thể có hai thằng tên đúng như gã? Xem tiếp. Địa chỉ: Phòng 1115, nhà CT7, đích thị nhà gã. Nhưng Hà Nội có vô thiên lủng CT7, mỗi CT7 thế nào chả có 1115!

Nhưng thông thường, hai cái trùng không đứng cạnh nhau. Xác suất quá thấp. Tóm lại là "nó" mời mình! "Nó" mời thì chắc "nó" không nhầm, vậy chỉ có thể mình nhầm. Gã đọc lại bốn cái tên bố mẹ cô dâu chú rể.

Cũng có một cái tên nghe quen quen, thấy ngờ ngợ, thời đại kỳ quặc này lắm thông tin đến mức quen quen lạ lạ lung tung cả.

Vậy đã có lời mời thì đi! Bao giờ nhỉ? Tối nay? Ô ô, khách sạn 5 sao? Ven Hồ Tây? Cực kỳ sang trọng. Cỡ mình chưa thử bao giờ. Đi chứ!

Gã vứt toẹt cái thiếp mời sang bên, mắt nhắm lại, ngáp một cái thật dài, và ngủ thiếp đi.

Hình như ngủ được có một lúc? Hình như có lúc gã thức dậy, đi loanh quanh trong nhà? Ờ, đi chứ!
Gã dừng xe trước cổng cái khách sạn nổi tiếng, nơi nhiều lần đón cả tổng thống nước ngoài đến ở. Như một con vịt đần, gã e ngại, đầu quay bốn phía.

Trông cái gì cũng như đang giễu cợt mình. Bức tường uốn lượn cầu kỳ. Khóm hoa thật trông như giả. Con đường kênh kiệu. Đến cậu thường trực cũng sang trọng như lính gác dinh tổng thống. Nhưng mình đã có giấy mời đến đây, có nghĩa là mình đủ tư cách đến đây, gã đĩnh đạc bước vào.

Và gõ gót giầy, tất nhiên.Trong sảnh lớn đèn khắp nơi nhưng ánh đèn không sáng không tối. Ai cũng sang trọng. Nói năng nhỏ nhẹ, động tác tay chân tiết chế, cười đùa vừa phải. Trông rất giống một bộ phim quay cảnh quý tộc ngày xưa.

Gã đi một vòng, với hy vọng tìm xem có tên nào quen không. Phải có một ai chứ? Không quen kiểu này thì cũng phải quen kiểu khác chứ? Nhưng đi khắp mà không tìm thấy ai quen. Chắc hẳn người gã quen chưa đến, sắp đến.

Trong sảnh, có một ban nhạc nhỏ hai người đang chơi. Tiếng nhạc réo rắt. Một nhạc công kéo violon rất say sưa, người kia đệm ghitare. Một bản nhạc cổ điển. Tiếng nhạc đưa gã đi đâu xa lắm. Hai nhạc công chơi hết mình, không cần biết có ai nghe, dường như họ chơi chỉ cho họ.

Mà lạ, trong cả cái sảnh to tướng và đầy người lịch sự này, hầu như chẳng ai để ý đến hai nhạc công kia cùng tiếng nhạc tuyệt vời kia. Dường như người ta điếc hết. Hoặc giả, người ta nghĩ bọn kia chơi nhạc là phục vụ mình nên không thèm để ý.

Nhưng gã thì để ý. Một mình gã tiến đến chỗ hai người nhạc công, đến rất gần, đứng lặng người nghe nhạc. Dường như trong cả cái sảnh rộng lớn này chỉ còn ba người.

Một lát sau, gã cảm thấy không ổn. Nhạc hay đến thế kia mà! Gã rút điện thoại di động, gọi người bạn thân, a-lô, thưởng thức nhé? và đưa chiếc điện thoại đến thật gần cây đàn violon. Anh nhạc công nhìn gã, chơi có vẻ say hơn, vì biết ít nhất cũng có thêm một người ở rất xa nghe nhạc của mình...

Gã sung sướng, tưởng tượng cảnh sóng âm thanh từ hai cây đàn chui vào điện thoại của gã, rồi biến thành sóng điện từ, qua anten bay phấp phới lên trời. Rồi từ trên trời cao, những đợt sóng ấy lại chui vào máy của bạn gã, hoán cải thành sóng âm thanh, chui vào đầu bạn gã, làm bạn gã ngất ngây.

Khi hai người nhạc công chơi xong, họ xếp đàn, rút ra khỏi sảnh, không quên tặng gã một nụ cười. Gã thở dài đóng máy. Đứng bần thần.Dù sao cũng nên chia sẻ với bạn bè, ở đây chưa có bạn thì có bạn ở xa. Gã lại bấm máy. Thích không? Gã hỏi. Ừ, dàn kèn trống nghe cũng được, bạn gã trả lời.

Gã sững sờ, nhìn lên bầu không gian phía trên. Nó méo?Đột nhiên, gã cảm thấy như có cái gì dán vào lưng vào gáy mình. Âm ấm, lành lạnh. Diết dóng. Rất khó chịu. Gã quay lại, bắt gặp cái nhìn của một người đàn ông.

Hắn hơi cao, gầy, trong bộ com-lê sẫm màu lịch sự, cà-vạt cũng sẫm màu. Gã có quen người này không nhỉ? Không. Vậy ta đi chỗ khác, gã nghĩ.

Gã len lỏi qua đám người, đi ngang qua ai cũng cố tình nhìn vào mặt người ấy. Trong cái sảnh này, đừng hy vọng gì khi nhìn vào áo quần. Bởi ai cũng sang trọng như ai. Đàn ông com-lê cà-vạt (kể cả gã cũng vậy, đi ăn cưới ở một khách sạn sang trọng như thế này kia mà!), đàn bà váy áo lòe xòe, nhìn hoa mắt.

Phải nhìn vào mặt họ, chính diện. Ông trời cho tỷ tỷ con người những bộ mặt khác nhau để còn nhận ra kẻ quen người lạ. Gã vòng vèo qua hết nhóm người này sang nhóm người khác mà vẫn chưa nhận ra ai quen.

Ôi những người quen của tôi, đi đâu hết cả rồi? Chắc đây không phải chỗ của mình. Nhầm. Quá sang trọng. Chán. Tự nhiên một nỗi buồn nhược tiểu dấy lên. Gã đứng thừ người giữa đám đông. Rõ ràng, gã lạc lõng giữa những con người hết mực lịch sự và sang trọng này.

Những cái nhìn thờ ơ, những động tác tiết chế, những cái nghiêng đầu lắng nghe kiểu cách... Và thế là, tự nhiên gã nảy ra ý định muốn bỏ chỗ này đi về nhà. Về nhà, về nhà, cái điệp khúc ấy vang vang trong đầu gã, đến nỗi mấy lần gã dợm bước đi về phía cửa, nhưng rồi lại dừng lại, chả lẽ mình đã đến đây theo lời mời trang trọng, lại tự nhiên bỏ về?

Và gã lại tiếp tục đi lòng vòng với hy vọng tìm ra một người quen. Vừa đi, trong đầu cái ý nghĩ ấy cứ to ra mãi: đi về, đi về, đi về nhà...

Trong lúc đi vòng vèo, gã vẫn cảm thấy khó chịu sau lưng sau gáy. Thỉnh thoảng không nén nổi, gã phải ngoái lại nhìn, và lần nào cũng bắt gặp cái bóng người đàn ông áo sẫm lúc nãy. Cũng như gã, ông ta cũng đi khắp các nhóm người, với ai cũng nhòm vào tận mặt, chắc cũng đi tìm người quen như gã?

Nhưng thật khó chịu là ông ta đi đúng đường gã đi. Gã qua nhóm này, ông ta cũng qua nhóm này. Gã sang nhòm nhóm khác, ông ta cũng nhòm đúng nhóm khác ấy. Thật khó chịu. Giá như ông ta đi tìm chỗ khác, kiểu khác, thì mặc xác ông ta, nhưng lại đi theo đúng kiểu gã thì thật bực mình. Gã cáu kỉnh rời sảnh, đi ra vườn.

Không khí mát rượi trong lành ùa vào phổi. Sung sướng hẳn. Về nhà, về nhà?

Những bông hoa trong ánh sáng nhân tạo trông không thật là hoa. Chỉ có gió là không bị ảnh hưởng bởi những thứ ánh sáng nhân tạo này. Nhưng chắc là cũng có ảnh hưởng ít nhiều, gã nghĩ, vì thỉnh thoảng vẫn ngửi thấy mùi gì là lạ, phấn son chăng, vì ở đây làm gì có bếp than tổ ong?

Bỗng có tiếng hắng giọng khe khẽ phía sau. Gã quay lại. Người đàn ông cao gày lúc nãy đang tiến đến. Gã cau có. Nhưng ông ta lại mỉm cười. Đứng cạnh mới thấy tuy trông xa ông ta cao gầy nhưng cũng tầm gã mà thôi. Một khuôn mặt hơi buồn. Và một bộ com-lê tuyệt đẹp.

- Nhạc lúc nãy hay nhỉ? - Ông ta nói.

- Hay. - Gã gật đầu, bớt cau có hơn.

- Vẫn chưa gặp người quen à? - Ông ta hỏi.

- Chưa. - Gã buột miệng thừa nhận.

- Ông định về à?

- Hừm... - Gã lúng túng. Cái lão chết tiệt này! Sao lão đoán ra?

- Vậy ta đi dạo loanh quanh đi! - Ông ta đột ngột đề nghị.

Lúc này trăng đã lên. Vành trăng còn non, nhưng đã sáng vằng vặc. Một mùi dạ hương ở đâu thoang thoảng bay đến. Ánh đèn xen kẽ vàng và trắng.

Khu vườn mờ ảo với những con đường nhỏ, những cái cột và những bồn hoa lung linh. Có những cái cây như người đứng dòm. Có những chùm cành lòa xòa như cánh tay vẫy. Giả giả thật thật.

- Ông hút thuốc không? - Người đàn ông kia hỏi với giọng xa ngái.

Gã tiếp nhận điếu thuốc lá ông ta mời.

Hút vào thấy say say. Chắc do đói. Nghĩ sẽ đi ăn cưới ở khách sạn 5 sao, gã đã cố tình ăn ít hơn vào lúc trưa nay... Thật xấu tính, gã nghĩ, cái thằng mình ấy. Bây giờ, đầu gã chuếnh choáng. Có lúc nhìn một thành hai. Có lúc gã nhìn thấy những bóng người đang đi xiêu vẹo trong vườn.

Rồi có tiếng mời mọi người vào tiệc.

Gã thở dài.

Gã và người đàn ông kia từ ngoài sân đi vào sảnh. Vì là hai người cuối cùng nên người ta dẫn họ đến một bàn còn khuyết hai ghế trống.Trước khi ngồi xuống, gã còn kịp nhìn quanh, vẫn chưa thấy ai quen.

Hay tất cả những người quen của gã đã tan biến vào đám đông? Về nhà, về nhà...Bàn có tám người. Tám người liếc nhìn nhau. Chẳng ai quen ai. Thôi được, ngồi cùng bàn, ăn cùng mâm, cùng nâng cốc chúc cho cùng một cặp, thế là quen vậy.

Người đàn ông "bạn" gã, ta gọi là Ông Bạn, là người khai mào:

- Sang trọng quá nhỉ, khách sạn 5 sao có khác.
- Đúng thế, - Cả sáu người kia hưởng ứng. Những giọng nói nhấp nhô. Kiểu như mừng rỡ vì đã có người phá đi cái bức tường ngăn vô hình.

Còn gã thì buồn cười.

Đứng dậy vẫn kịp, nhỉ? Về nhà, về nhà...

Trên cái bàn tròn phủ vải đỏ trước mặt, chính giữa, có một bình hoa nhỏ và một cây nến đang cháy trong một cái chụp thủy tinh tuyệt đẹp. Trước mặt mỗi người có một cái ly chân cao dùng để uống rượu vang và một cốc thủy tinh lùn dùng để uống rượu, cả hai được úp trên cái khăn nhỏ màu hồng nhạt.

Chưa có thức ăn ê hề bày sẵn như những đám cưới bình thường khác. Cũng chẳng có những thức ăn giống hệt nhau như đúc từ nhà máy ra như những đám cưới bình thường khác. Chính điều đó lại làm gã khó chịu.

Có về không? Gã đã quen đi những đám cưới trung bình. Ở đó, có những MC trung bình với những câu dẫn tếu táo cỡ trung bình, người ta biết trước sẽ có những món gì, người ta ồn ào ngồi vào bàn, thẳng thừng hỏi nhau ông là thế nào với cô dâu (hay chú rể), ta uống trước đi, mặc kệ họ, khi họ bắt đầu ta lại uống tiếp...

Ông Bạn ngồi bên phải gã. Bên trái gã là một ông đạo mạo mặt đỏ ửng với những nốt sần, thỉnh thoảng lại lắc lư cái đầu, kiểu như không bằng lòng mọi điều. Trước mặt là một người đàn ông béo tốt, trông quen quen, có thể gã đã nhìn thấy trên ti-vi?

Ông ta thỉnh thoảng cũng nhìn gã rất nhanh rồi quay đi. Cạnh ông ta phía bên này là một bà son phấn vừa phải, nền nã, tóc vấn cao, áo tím, luôn luôn mỉm cười. Còn phía bên kia là một ông thắt cà-vạt sọc cũng luôn mỉm cười.

Gã rất ghét những người luôn mỉm cười. Họ không thấy mỏi miệng à? Ấy, chính không mỉm cười mới thấy mỏi miệng, gã nghe thoang thoảng một giọng nói bên tai. Gã ngạc nhiên quay sang, hóa ra Ông Bạn đang nghiêng người về phía gã, thì thầm. Cái ông này, sao biết mình đang nghĩ gì?

Ngồi cạnh Ông Bạn về phía bên kia là một ông đeo cà-vạt xanh lá cây, khuôn mặt đẹp như thiên thần với một món tóc rủ xuống trán. Nghiêm nghị và phớt đời.

Nhưng mọi chú ý của cả bàn tiệc đều hướng về phía một cô gái trẻ ngồi chếch gã 90 độ. Những đôi mắt (kể cả của thiếu phụ nền nã) nhìn đâu thì nhìn, nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc nhìn về phía cô.

Khỏi phải nói, bản thân tuổi trẻ cộng với tính nữ đã là một hấp lực vô biên, không cần bất kỳ phụ trang phụ kiện gì khác. Cô gái giản dị trong bộ sơ mi cộc tay và (chắc là) váy sẫm màu. Ông Bạn lại ghé tai gã thầm thì:

Này, già rồi mà sao cứ liếc cô bé thế? Gã thoáng sượng mặt. Rồi cáu: cái thằng cha này, quen biết gì ông mà tọc mạch?

Cô gái khiến gã như đang chạy ngược thời gian từ cõi năm mươi trở về tuổi hai mươi. Cô bạn giống như cô bé kia ngồi sát sạt vào người gã, cánh tay cọ vào cánh tay, đến tận bây giờ vẫn còn cảm giác sung sướng, man mát, êm dịu.

Thế nhưng gã chẳng làm gì cả, chẳng có ý định gì cả, chẳng có suy nghĩ gì cả, chỉ thấy bầu trời rất cao và phố phường thật đẹp. Lúc ấy lại nghĩ, thôi ngồi lâu rồi, phải về nhà, về nhà... Sao ngu thế nhỉ?

Bên cạnh, Ông Bạn cười cái gì kha kha với Ông Cà-vạt xanh lá cây rồi kết luận: "Sao ngu thế nhỉ..."Cái lão này, đến tình cờ cũng nhắc lại đúng ý nghĩ của mình, thật đáng ghét, gã nghĩ. Gã thấy bừng bực vì đã đi cùng, ngồi cùng cái gã điên này.

Tèn ten tèn ten!!! Âm nhạc vang lên. Vô cùng hùng tráng nhưng dịu nhẹ, phát ra từ đâu đâu không biết, có thể từ những bức tường. Xuất hiện hai đoàn thiếu nữ mang trên tay những ngọn nến lung linh uyển chuyển bước vào.

Rồi các cô đứng cách nhau rất đều rải từ cửa tới sân khấu, làm thành một hành lang ánh sáng nến, để trong cái hành lang lung linh ấy mấy cô bé thiên thần tung tăng dẫn cô dâu chú rể khoác tay nhau theo sau, hộ vệ là hai ông bố hai bà mẹ.

Cả đoàn diễu hành nằm trong vòng ánh sáng trắng của một chiếc đèn pha chiếu từ xa, chầm chậm như đang tiến đến thiên đường.

(Đón đọc tiếp kỳ II: Đám cưới )



Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
 

 nguoihaiduong
 member

 REF: 629636
 04/02/2012

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai


Đám cưới (II)

Nhân vật của chúng ta căng mắt ra nhìn. Gã hồi hộp đợi đến khi đoàn diễu hành đi tới khoảng cách gần nhất để nhận dạng người quen.

Nhưng khỉ thật, trong cái ánh sáng trắng của đèn pha và dưới lớp phấn son áo quần, trông cô dâu chú rể như những hoàng tử công chúa thời xưa, còn bốn ông bố bà mẹ trông lạ hoắc như vua chúa trong phim ảnh.

Không phải người quen của gã, gã lắc mạnh đầu. Đi về? Nhưng vẫn chưa thể khẳng định, gã lại nghĩ. Trong cái ánh sáng rực rỡ kia thì đến ma cũng đẹp.

Biết đâu mình quen bố chú rể chẳng hạn, cái tay đi sau chú rể đó, trông dáng có cái gì quen quen, nhưng thằng cha đó make-up lên và mặt lại vênh lên thì ai mà nhận ra được?

Bây giờ thì đoàn người quan trọng nhất ấy đã đứng trên sân khấu, khá xa, đến nỗi gã phải nheo mắt lại nhìn mới rõ. Một tràng vỗ tay rộ lên khi nhạc dứt. Trên bàn, trước mặt, vẫn trống không, ngoại trừ hoa, nến và cốc.

Gã thấy đói. Cái bọn này rách chuyện quá, mình thì đói, chúng nó thì cố tình chưa bầy thức ăn. Chắc còn phải đợi diễn văn của bố chú rể? Trong lúc gã đang cáu kỉnh thì Ông Bạn đã kể chuyện gì hay ho lắm, có thể là một câu chuyện tiếu lâm nhẹ nhàng, khiến cả bàn cười vui vẻ.

Không khí như dãn ra. Ông Bạn rút tập danh thiếp, lần lượt đưa cho từng người, miệng nói: "Hy vọng sau này sẽ có nhiều điều thú vị hơn."

Gã cũng nhận danh thiếp, liếc qua thấy có họ tên, địa chỉ, số điện thoại, và những hàng chữ màu xanh. Nhưng vì đang tức vì bị Ông Bạn mấy lần đoán trúng ý, nên gã đút ngay vào túi không đọc tiếp nữa.

Đưa danh thiếp là bệnh lây. Ông Béo tốt cũng rút ra một tập danh thiếp. Rồi Bà Nền nã, Ông Cà-vạt sọc... Trừ tấm danh thiếp của Ông Bạn nằm trong túi, tấm nào gã cũng nhìn một cái rồi để trên mặt bàn.

Tấm nào cũng chi chít chữ, đọc không kịp. Chỉ có gã và cô bé là không danh thiếp, chợt nghĩ, đó là những kẻ không tên tuổi. Cô bé thì không nói làm gì. Trẻ quá.

Bây giờ không tên tuổi thì sau này sẽ có tên, lo gì! Vả lại, với khuôn mặt thiên thần tỏa hào quang kia thì cóc cần danh thiếp người ta cũng nhận ra mình là ai.

Nhưng còn gã, gã chưa là gì, chẳng là gì, họa chăng một anh nghiên cứu viên ở một Viện nghiên cứu khoa học tuy sáng láng nhưng khối người không biết nên cũng thành không tên tuổi.

Gã thản nhiên bảo: "Xin lỗi, tôi không có danh thiếp", tự thấy giọng nói điềm tĩnh, và khi liếc nhìn sang bên, gã nhận ra sự đồng tình của Ông Bạn, gã thấy khoái ông ta hơn.

"Không sao, không sao...", Ông Béo tốt nói với gã, với giọng an ủi rất đáng ghét, "Những người dân là những người đứng cao nhất", ông ta nói như trên diễn đàn. Bây giờ là lúc cần đến danh thiếp đây, gã lén giơ ngón tay gạt gạt đống danh thiếp, đến cái cuối cùng, đọc:

Nguyễn Văn A, Dân biểu, đúng như mình đoán, Tiến sĩ, khiếp nhỉ, Cục trưởng Cục Z, Chủ tịch Hội X, Ủy viên thường vụ Hội Y, Nhà báo, Nhà văn. Gã thở dài đánh sượt. Ngồi đối diện với một nhân vật cỡ này thì mệt quá.

Gã nhớ đến những bữa bù khú ở quán bia hơi, ở đó ông Trời là con cóc, bão tố là làn gió thoảng, động đất là con mụ vợ đụng hông vào bàn.

Còn ở đây, Ông Béo tốt là núi Thái sơn, còn Quý Bà Nền nã là... ai nhỉ, danh thiếp thứ hai, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán, ái chà, xem tiếp, ngón tay gã lại gạt gạt, Ông Cà-vạt sọc là Nhà Tư vấn!

Cà-vạt xanh lá cây là Nghệ sĩ ưu tú, còn ông Mặt đỏ ngồi cạnh gã là Giáo sư! Gã lại thở dài, liếc nhìn Ông Bạn, vậy tay này là ai? Cũng phải tầm cỡ đó trở lên, gã đoán, nhưng rất bất lịch sự nếu như thò tay vào túi để lôi ra tấm danh thiếp của hắn mà đọc.

Rõ ràng có những con mắt chiếu cố khi nhìn gã, điều đó làm gã cáu. Không có danh thiếp, đó là một tội lỗi. Đến con ruồi cũng phải biết vo ve, cái tiếng vo ve ấy chính là danh thiếp của ruồi, còn mình thì không có gì cả.

Nhưng gã chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi đặt in danh thiếp, dù rằng bản thân danh thiếp với dòng chữ đơn giản Nguyễn Văn Cột, nghiên cứu viên, địa chỉ, điện thoại, e-mail, chỉ là để người đối thoại có thêm thông tin. Để tự an ủi, gã nghĩ, mình đã được mời đến đây là đã có vai vế nhất định, và đó chính là danh thiếp của mình.

Màn trao danh thiếp làm gã nhãng đi không nghe thấy phát biểu của bố chú rể, lại mất một dịp xác định mối quen biết hiện đang rất mù mờ.

Có lẽ ngoại trừ gã, sau màn trao đổi danh thiếp, những người kia đều nhận ra nhau, vì gã thấy họ bắt đầu trò chuyện rất vui vẻ, toàn à với ồ. Quý Bà Nền nã với giọng trách móc bảo Ông Béo tốt: "Các anh chẳng quan tâm đến chứng khoán gì cả, kỳ này đưa ra đi anh... ".

Ông Béo tốt cười cười chuyển luôn quả bóng sang Ông Cà-vạt sọc: "Ấy, mọi dự án đều do ông này xúi bẩy đây, lát nữa phải phạt." Quý Bà chuyển làn đạn sang Cà-vạt sọc: "Này, nghe nói có ai đó vừa trúng quả, kiếm một con Camry trong vòng hai ngày, có đúng không nhỉ?"

Cà-vạt sọc cười hi hi, liếc nhìn Ông Béo tốt một cách đầy ý vị: "Cái thằng ấy chỉ là cò con thôi bà ơi, đâu bằng vụ một đêm thổi giá vàng hay một chữ ký chia đất!" Cà-vạt xanh lá cây cười ha ha, còn cô gái ngơ ngác như con nai vàng.

Ông Bạn ghé tai gã kể nhỏ: "Cái tay tư vấn này vừa nhận hai căn hộ cao cấp được mua với giá hữu nghị liền đẩy đi, lãi ngay cái ô-tô." "Thế ư?", gã ngạc nhiên, ngắm Cà-vạt tím. "Còn ông béo ấy, làm tiến sĩ mà chẳng phải đi học hay viết luận án, bị cái tay Giáo sư rởm ngồi cạnh ông khinh như mẻ", Ông Bạn lại thì thào.

Sao ông biết? Dường như hiểu được suy nghĩ của gã, Ông Bạn cười cười: "Tớ là Biết Tuốt mà! Đùa đấy, thời đại này, đến ma còn biết lên mạng." Gã ngồi đần ra, vừa nghe vừa ngắm. Quên cả đói. Quên cả tìm người quen. Quên cả ý nghĩ muốn về nhà.

Những người phục vụ áo trắng đã đi rót rượu cho từng bàn. Rồi thức ăn cũng lần lượt được đưa ra, hết món này đến món khác.

Món nào cũng ngon và lạ. Nhân vật của chúng ta chưa hề được thưởng thức những của ngon vật lạ như thế, gã không chọn rượu vang mà chọn rượu mạnh, gã chén một cách thoải mái, cảm giác nhược tiểu tự nhiên biến đi đâu mất hết.

Bàn tiệc rôm rả. Nhưng hầu như mọi người chỉ đụng đũa làm vì. Ông Béo tốt không buồn ăn, vì đang say sưa kể chuyện đi câu ở hồ T, câu được con cá to đùng mười cân.

Bịa! Thật mà, mười cân! Có cả ảnh chụp đây này! Ối giời, ông phải chỉ cho tôi mới được, chỗ câu ở đâu đấy? Cà-vạt xanh lá cây, NSƯT rối rít hỏi.

Biết Tuốt lại thầm thì vào tai gã: "Ông có biết có người làm nghề lặn hồ đổ ốc không? Lặn xuống hồ, đào một cái hố tròn to dưới đáy để làm một cái mà, rồi cứ mấy ngày một lần mua ốc, đập nát, rồi lại lặn xuống đổ xuống đấy làm mồi dụ cá.

Một tháng sau mời đại gia đến đúng chỗ ấy câu. Con cá tham ăn là con cá chết, đại gia vui." Gã buột miệng: "Thế thì vui vẻ cái nỗi gì?" Chợt nghĩ, ở Viện nghiên cứu khoa học của gã, mấy cái đề tài tiền Nhà nước chẳng phải là những cái mà to tướng đấy ư?

"Đúng, thế nhưng ông đâu có dám từ chối, không làm?", giọng thầm thì của Ông Bạn lại rót vào tai làm gã phát hoảng, sao hắn biết được ý nghĩ của mình? Gã nhìn cốc rượu, rồi lại liếc nhìn Ông Bạn.

Hắn nhe răng ra cười với gã. Hắn cũng có một cái răng sâu ngay trước cửa như mình, thật đáng ghét. Gã giơ cốc rượu ra để người phục vụ rót thêm thì thằng cha "Ông Bạn" cũng đưa cốc rượu ra. Bắt chước một cách nhố nhăng.

Bây giờ, mặt hắn tái dại, nhợt nhạt. Bộ com-lê sang trọng có vẻ như cứ rộng ra dần so với khổ người hắn. Uống chán, hắn quay sang gã, thầm thì: "Thực ra, khách sạn 5 sao cũng chỉ thế thôi, nhỉ?" "Ờ", gã gật gù.

Bữa tiệc chậm rãi trôi. Ông Béo tốt quăng đũa mỗi nơi một chiếc, bắt đầu duỗi dài chân, ngả người trên ghế.

Cà-vạt sọc nhớn nhác nhìn quanh, miệng làu bàu "Tăm ở đâu nhỉ, 5 sao mà đến cái tăm cũng không để vào lọ đặt trên bàn cho người ta..." Còn Giáo sư bên cạnh gã chắc mỏi chân, trụt giày, len lén gác một bàn chân lên ghế.

Bây giờ, gã cũng không muốn ăn nữa, chỉ muốn uống. Gã chăm chú nhấp từng ngụm rượu thơm nồng, gần như quên hết mọi sự. Những câu chuyện bắt đầu rời rạc lướt qua tai gã như những làn gió thoảng.

Thực ra, cũng chỉ thế thôi, câu nói của Ông Bạn lại lướt qua đầu gã. Hết cốc rượu to, gã tự nhiên thấy chán. Nhưng rồi lại thắc mắc, vậy là, tại sao người ta lại mời mình? Khoa học tồn tại là do đặt ra câu hỏi và hỳ hục đi giải câu hỏi đó.

Gã là nhà khoa học, tuy chưa giáo sư như Ông Cà-vạt xanh lá cây, cũng chưa Tiến sĩ như Ông Béo Tốt, nhưng cũng đủ để hiểu rằng phải đi tìm ông bố chú rể, người mà gã nghĩ xác suất quen là rất lớn, và đó là cái gạch nối giữa gã và đám cưới sang trọng này.

Gã chuếnh choáng đứng lên, xin lỗi nhé, tôi đi, gã nói. Bất ngờ, nhìn sang bên cạnh, gã chẳng thấy Ông Bạn đâu. Chẳng lẽ hắn lại đi trước cả mình? Mình cứ định làm gì thì hắn lại cứ như biết trước?

Bừng bực, gã hỏi ông Giáo sư: "Cái ông ngồi cạnh tôi ấy mà, ông ấy đi đâu ấy nhỉ?"

"Ông nào?" Ông Giáo sư đặt vội chân xuống đất, ngạc nhiên hỏi lại.

"Cái ông ngồi đây này?" Gã chỉ cái ghế cạnh mình.

"Làm gì có ai, cái ghế ấy trống."

Liệu có nên tin cái lão này không? Gã nhìn ông ta, rồi quay sang nhìn lại mặt bàn, thấy cái cốc và cái ly vẫn úp xuống tấm vải hồng. Một đôi đũa, một cái thìa đặt ngay ngắn bên cạnh. Khỉ quá nhỉ?

Gã thọc tay vào túi quần. Vẫn còn danh thiếp của Ông Bạn đây mà! Gã rút ra. Lật đi lật lại. Một tờ bìa trắng, trắng cả hai mặt, không một dòng chữ. Cái thằng cha này lại lừa mình, gã lẩm bẩm, rồi rời bàn.

Gã nhìn khắp gian phòng, rồi đi ra ngoài, dạo khắp hành lang cùng sảnh. Khách sạn sang, đi mãi cũng thành thường. Gã gõ gót giầy như đi trong hành lang nhà CT7 của gã. Và, gã chỉ tìm thấy cô dâu chú rể đang đứng ở cửa, như đợi khách, còn hai ông bố hai bà mẹ biến đi đằng nào. Chán thế.

Thôi đi về, đi về nhà...

14/10/2011


 
  góp ý kiến

 
   

  Kí hiệu: : trang cá nhân :chủ để đã đăng  : gởi thư  : thay đổi bài  :ý kiến

 
 

 


Nhà | Ghi danh Thành Viên | Thơ | Hình ảnh | Danh Sách | Tìm | Diễn đàn | Liên lạc | Điều lệ | Music | Link | Advertise

Copyright © 2024 Vietnam Single & Tim ban bon phuong All rights reserved.
Hoc Tieng Anh - Submit Website Today - Ecard Thiep - Hot Deal Network