Vietnam Single Tim Ban Bon Phuong  


HOME  -  FORUM  -  REGISTER  -  MY ACCOUNT  -  NEW  PHOTOS  -  BROWSE  -  SEARCH  -  POEM  -  ECARD  -  FAQ  -  NCTT  -  CONTACT

Sponsored links


Diễn Đàn
 Những chủ đề mới nhất
 Những góp ý mới nhất
 Những chủ đề chưa góp ý

 
NCTT Những chủ đề mới nhất

NCTT Những góp ý mới nhất
NCTT Website


Who is Online
 

 

Forum > Truyện ngắn >> Núi đoạn Sông lìa

 Bấm vào đây để góp ý kiến

1

 tiendaoduy
 member

 ID 73099
 08/16/2012



Núi đoạn Sông lìa
profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email -goi thu   Thong bao bai viet spam den webmaster  edit -sua doi, thay doi edit -sua doi, thay doi  post reply - goy y kien
Núi đoạn Sông lìa – phần 1
Ngô Nguyên Dũng
(Tiểu thuyết là sản phẩm tưởng tượng.
Những chi tiết về thời gian và không gian
không nhất thiết phản ảnh đúng thực tế.}
–Tác giả






Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.




1.

Ngôi nhà nằm bên dòng sông đục trong hai mùa mưa nắng. Vườn cây êm ả phủ bóng mát, chỗ Cẩm thường quanh quất những khi tiết trời khô ráo. Có vài gốc vú sữa tím, hai cây cam sành, một cây mận chua và một cây mận hồng đào, hai cây ổi lão cạnh giếng nước chỉ sử dụng sáu tháng nắng, một cây khế và hàng chuối sứ soi lá ven sông. Trước nhà trồng dăm khóm vạn thọ, mấy bụi mồng gà và thật nhiều cây kiểng lùn trong chén sành men lam, chậu sứ tráng men phù vân, sơn thuỷ được bàn tay ông nội chăm bón, bày biện hai bên lối đi lót gạch nung. Cửa gỗ vòng cung thường không khoá, máng tòn teng quả chuông con. Chuông bằng đồng đúc ba mua được trong lần phiêu bạt đâu đó tận phương bắc. Tiếng chuông trong trẻo, vui tươi, hiếu khách. Bên trái cánh cửa, bụi dâm bụp ẩn ngại ngùng bông đỏ trong hàng dậu trường xuân.

Lúc Cẩm bắt đầu biết ghi nhớ thì ba vắng nhà luôn. Má nói, ba đi làm ăn xa. Cẩm không hỏi gì thêm, vì thật ra Cẩm không cảm thấy thiếu. Có điều Cẩm vẫn băn khoăn mỗi khi phải điền vào ô "nghề nghiệp cha" trong vài thứ giấy tờ học đường. Hỏi thì cô giáo giải thích:

- "Nghề nghiệp" có nghĩa là làm cách gì để nuôi sống gia đình, ví dụ cha trò Nghĩa làm ruộng, cha trò Nhơn làm thơ ký.

Cẩm mấp máy:

- Má nói, ba em đi làm ăn xa.

- Vậy thì ba em hành nghề "buôn bán".

Cẩm ngần ngừ:

- "Buôn bán"có g hay không có g, thưa cô?

Cô trợn mắt:

- Không chữ nào có g hết á!

Từ khi hiểu ra "nghề nghiệp" của ba, Cẩm nẩy thêm thắc mắc, ba "buôn bán" thứ gì vậy? Thoảng hoặc, ba về thăm nhà, lần nào cũng quà cáp khẳm ghe. Ai trong nhà cũng được quà. Cho má, vài thước vải dặm bông thiệt khéo, hoặc chiếc vòng cẩm thạch điểm huyết lựu, hay tấm khăn lụa Tô châu bông mẫu đơn. Cho bà nội, cái cối con giã trầu bằng đá hoa cương, hay chiếc lược ngà voi chạm vân vi đồng điếu. Nội ưa lắm, cất riết trong tráp, lâu lâu mới đem ra cho cả nhà trầm trồ. Cho chị Châu, cũng xấp vải may áo, nhưng màu sắc và bông dặm tươi tắn hơn xấp vải cho má. Cẩm nhớ, có lần ba dúi vào tay chị một túi nhung đỏ. Chị tháo gút, hai mắt mở to, tay lun run rút ra sợi dây đen tuyền đính viên ngọc hình trái tim màu trà tàu trong vắt. Chị săm soi đeo vào cổ. Ba cười, hàm răng ố nhựa thuốc lá:

- Ngọc hổ phách đó con.

Rồi anh Chúc, anh Chung và chị Ba Khởi làm bếp, chú Năm Tự làm vườn, mỗi người một món. Riêng Cẩm được ba mua cho nhiều thứ đổi thay theo tuổi: Hộp chì màu mười hai cây hiệu Núi trắng của Tây, ba mua lúc ghé ngang Sài gòn, vài tập truyện cổ tích dân gian, cái kẹp tóc lá tre, con búp-bê mắt nhắm mắt mở, tóc vàng hoe, hay những món đồ chơi tí hon bằng nhựa đủ màu hực hỡ.

Ba về thăm, đôi ba tuần rồi lại biền biệt. Cẩm nhớ có lần, sau đó, má cấn thai. Cẩm vui lắm, vì biết sắp sửa có em để nựng nịu, ẵm bồng. Riêng nội cứ căn dặn:

- Lần nầy là ngưng nghe con, trọng tuổi rồi, không tốt.

Đêm nọ, má than đau bụng. Bà nội xoa dầu nóng cho má. Cẩm tò mò ghé mắt ngó. Bụng má mum múp trắng, li ti đường gân máu cộm xanh. Tay nội vần nhẹ chũm rún. Má rên rỉ, mặt trắng bệch, trán lấm tấm mồ hôi. Nội sai chị Châu sắc thuốc cho má uống. Tới nửa đêm, má vẫn không bớt đau. Nội hối anh Chúc chèo ghe tới rước mụ Hai Tốt. Trọn đêm đó Cẩm chập chờn mộng mị, không ngon giấc. Tiếng người lao xao, rầm rì lẫn với tiếng vật dụng va chạm bên buồng má vẳng qua khe ván. Vạt đèn dầu mỏng tanh hắt lên nền gạch tàu, nhấp nhô bóng người di động. Cẩm ngủ chung giường với chị Châu. Chị luôn miệng vỗ về, ngủ đi, ngủ đi cưng.

Lúc Cẩm vừa khép mắt giấc ngắn thì bị một âm thanh lạ tai lay thức. Quơ tay sang cạnh, thấy trống hốc, Cẩm giật mình ngồi dậy. Tiếng má buồng bên nức lên từng chặp, cố nén, kèm theo giọng người khuyên lơn. Lại tiếng vật dụng chạm nhau, lạnh lẽo kim khí. Cẩm hoang mang soi mắt quanh quất. Buồng ngủ có vuông cửa sổ lá sách, chị Châu quên khép. Tháng tám, tiết trời êm ả, trong vắt. Luồng trăng nhờn nhợt xuyên chòm vú sữa, khoanh từng đốm kỳ dị lên vách. Có đốm ngó dạng như trẻ sơ sinh. Có đốm trông tựa kén một loài ấu trùng đã có lần Cẩm thấy đong đưa trong đám lá rậm rì. Cẩm sợ sệt vật người nằm co, giấu mặt trong gối, gấp kín hai tai. Rồi thiếp đi.

Cẩm tỉnh giấc khi ánh ban mai loang loáng. Cũng chỉ mình Cẩm nằm đó. Gian nhà đột nhiên lặng lẽ. Không gian thoảng mùi nhang thơm. Ngoài sông đưa lại tiếng mái chèo khua nước thơi thả của ghe xuồng ra chợ sớm. Và chuông chùa trên núi Phụng ngân vọng từng hồi khoan khoải.

Cẩm không rời giường vội. Đang mùa bãi trường, một ngày của Cẩm lê thê không dứt. Nhưng sáng nay Cẩm có cảm giác nghi ngại, gần như sợ hãi, khi phải rời buồng ngủ bước ra để nhận biết chuyện gì đã xảy tới cho má khuya qua. Cẩm muốn tin rằng, tất cả chỉ là một giấc chiêm bao tối ám. Cẩm xoay lưng, siết chặt gối ôm của chị Châu vào lòng. Nhà nầy, ai cũng có thói quen ôm gối khi ngủ. Dạng gối lớn nhỏ tuỳ theo tuổi. Gối của chị Châu, chiều dài và bề rộng xấp xỉ tạng người Cẩm. Tuy vòng tay Cẩm không khép kín, nhưng Cẩm vẫn ưa vì thân gối đằm đẵm hương thơm lạ lùng, bí ẩn. Chị Châu thích bọc gối ôm bằng sa-teng làng Tằm màu lợt. Chị dùng nước lóng phèn giặt áo gối, lúc xả, vắt thêm chanh. Rương quần áo chị, ngoài long não trừ mọt còn được ủ bông sứ, bông lài, bông sen và lá bạc hà khô. Không hẳn chỉ bao nhiêu đó, mùi hương có lẽ còn do tuyến mồ hôi thiếu nữ của chị tươm ra. Khi khứu giác Cẩm bắt được hương thơm ấy, nó tác động tràn lan ngũ quan Cẩm. Làm vị giác rìn rịn, thèm thuồng những lát xoài chua chấm nước mắm tiêu đường. Bắt thính giác vọng âm cánh đập uyển chuyển lách ngách của bầy ngỗng trắng về núi Phụng mỗi hoàng hôn. Khiến xúc giác rờn rợn những ve vuốt vô hình, thanh thoát, mềm mại. Xui thị giác tưởng ra những cảnh sắc dị thường, man mác tạp sắc qua chuyện kể của ba những bận về thăm nhà.

Chị Châu được má cho đi học trường làng, hết lớp thì nghỉ. Lý do rất giản dị, muốn học tiếp phải ra trường tiểu học tỉnh cách nhà gần nửa ngày đường xe ngựa. Hơn nữa, má nói, phận gái học bao nhiêu đó đủ rồi. Trường làng, tuổi tác học trò chênh lệch. Chị Châu đi học lúc ngấp nghé dậy thì, đã thôi kẹp tóc, bắt đầu bận quần đen, áo lót. Tuy học ít, nhưng nhờ có hoa tay, chị Châu viết chữ rất huê mỹ. Cẩm thường chống cằm theo dõi chị nắn nót ghi nhạc, chép thơ.

Cuốn tập học trò, giấy trắng tinh, bìa cứng in hình chiếc xích-lô máy, chị Châu mua trong hiệu tạp hoá khách trú ở chợ tỉnh. Dụng cụ học sinh, chị cũng mua ở đó. Một lần, trước tết, Cẩm được theo chị ra chợ tỉnh. Đi bằng xe ngựa từ sáng tinh sương. Cẩm ngủ chưa thẳng giấc, tựa đầu vào vai chị mơ màng theo vó ngựa chông chênh. Lúc chị Châu vỗ nhẹ vai Cẩm, lay thức thì nắng đã đẫm màu tươi rói. Vòng bánh xe không còn chông chênh đường đất, mà lăn nhịp đều dặn từng móng sắt giẫm lên đường nhựa. Cẩm đã nhiều lần nghe anh chị kể nhau, Tây xây đường tráng nhựa dẫn vô chợ tỉnh. Cẩm hỏi, nhựa là cái gì? Anh Chúc giải nghĩa, là một loại dầu sền sệt đen xì, tráng lớp làm đường cho xe chạy, vừa êm ái vừa sạch sẽ.

A, thì ra đây là đoạn đường dầu hắc dẫn vô chợ tỉnh, Cẩm reo thầm. Hai mắt Cẩm mở lớn, thu từng vuông nắng nhấp nhô xuyên qua hàng cây lá đan rộng. Từ thổ ngơi quê nhà khoáng đãng, ruộng nước mênh mông, lần đầu trong đời Cẩm đặt chân tới phố chợ sung túc. Cảm giác mới mẻ, lạ lùng rợn gai da thịt. Những biệt thự ngói đỏ nguy nga, tường vôi vàng ngà, hàng rào xi-măng, bên trên cắm miểng chai lởm chởm, cửa sắt uốn hoa văn chĩa mũi nhọn, thấp thoáng lối đi trải sỏi, vườn cây kiểng gọn gàng, tươi mát như vừa tỉnh giấc sau một giấc mộng huê dạng.

Chị Châu thều thào:

- Dinh thự của quan tây lớn.

Một người xen vô:

- Ổng ít khi ở đó, có chuyện mới dìa.

Người khác hỏi:

- Cất nhà không ở, vậy ở đâu?

- Ở Sài gòn. Trên đó vui hơn, ai thèm dìa đây, cái xứ quê rích quê rang nầy.

Một giọng đàn bà cắc cớ:

- Sao rành chuyện dữ vậy?

Người nọ tỉ tê:

- Tui có người bà con ở đợ cho ổng. Bà con tưởng tượng nổi hông, ở đợ cho Tây sướng giàng trời. Được bận đồ tây đàng hoàng nghe! Bơ sữa tràn đìa, ăn phát nhợn. Thịt trứng, khỏi nói. Hai con chó bẹc-giê còn được ăn thịt bò bíp-tết nữa đó.

Có người ré lên:

- Xạo vừa thôi cha nội.

Xe ngựa đã đi hết đoạn đường rợp bóng mát, quẹo trái ra hướng chợ lồng xây hình bát quái bên cửa sông ghe xuồng tấp nập. Tiếng động cơ bắt đầu rôm rả. Người vật nhốn nháo dọc ngang. Lối đi như thể hẹp lại. Nhà lầu một từng hai bên, cửa sổ lá sách toang hoác, dây kẽm phơi quần áo phất phơ gió sớm. Ngũ quan Cẩm đón nhận no nê cảm xúc lạ thường, không thể định nghĩa. Hương liệu từ những cửa hàng gia vị trộn lẫn mùi cá khô, thuốc bắc và quán xá tỉm-sấm ngợp ngụa khứu giác. Và âm thanh cùng màu sắc. Tất cả đắm đuối vào nhau như một giấc chiêm bao tận mắt thấy, tận tai nghe, tận mũi ngửi, tận lưỡi nếm và tận tay sờ nắm.

Đi ngang hiệu tạp hoá bán dụng cụ văn phòng, chị Châu dừng lại nghĩ ngợi giây lát rồi bước vào. Trời ơi, thấy mê luôn, Cẩm kêu thầm. Cửa hiệu chưng bày vén khéo, gọn gàng đẹp mắt, hoàn toàn không giống bất cứ cửa hiệu khách trú nào khác. Tập sách nhiều khổ chất chồng trên kệ gỗ. Viết chì viết mực, thước, gôm nhiều màu chưng trong tủ kính đặt trước quầy thu tiền. Một thiếu nữ, tóc cắt bum-bê, mắt xếch, mũi thấp, cười phô hàm răng trắng như cơm dừa chào chị Châu. Chị hỏi mua vài viên mực tím. Cẩm chúi mắt sát tủ kính bán đồ chuốc viết chì và đồ chơi linh tinh. Một lọ đựng đầy đạn ve chai vân khế sặc sỡ. Vài xấp hình màu cổ tích tây phương. Một hộp nhựa đựng bong bóng chưa thổi. Và vô số thiệp chúc tết tây tàu rắc kim tuyến lấp lánh.

Cẩm không dám đòi, nhưng chị Châu biết ý, hỏi Cẩm ưng thứ gì. Cẩm lưỡng lự khá lâu, cuối cùng chọn một chiếc kẹp tóc màu đỏ, hình trái tim. Chị Châu cười lớn, kêu: "Điệu dữ a!"…

… Tự dưng, những hình ảnh ấy trở về rỡ ràng trong tâm tưởng Cẩm sáng nay. Như thể khuya qua không có chuyện gì xảy ra. Như ngày đêm, mùa màng và thời tiết vẫn phẳng lặng luân chuyển trong bàn tay xếp đặt huyền nhiệm của tạo hoá. Như bóng tối lặng lẽ cùng ánh sáng lấp lánh những khung cửa khép lại rồi mở ra, ban phát và lấy đi sự sống. Thật nhẹ, không hối hả mà như bóng mát vị tha của đám mây định mệnh phủ xuống, gói kín và theo gió biền biệt trôi đi. Không trở lại.

Đêm đó, má hư thai. Mụ Hai Tốt tới trục bào thai ba tháng. Kể từ đó, má không mang thai được nữa.


(còn tiếp)



Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
 

 tiendaoduy
 member

 REF: 637313
 08/17/2012

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai
núi đoạn sông lìa – phần 2
Ngô Nguyên Dũng




Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.



*



Chị Châu có nhiều điểm lạ. Ngoài chuyện siêng năng chép thơ, chị còn chép tân nhạc. Nhiều bài, Cẩm nghe lần đầu. Chị nói, phỏng theo nhạc Tây. Rồi chị ngân nga: "Ngày ấy khi xuân ra đời, một trời bình minh có lũ chim vui. Có lứa đôi yêu nhau rồi, hẹn rằng còn mãi không thôi…" ([1])

Không biết Cẩm có tưởng tượng quá đà không, vì lúc chị Châu uốn miệng theo giai điệu, nét mặt chị lạ lùng như vay mượn của ai khác. Hai mắt chị khép hờ. Đôi hàng mi cong rậm tự nhiên nhấp nháy như bộ mày một loài bướm đêm. Gò má chị đổi sắc hồng. Cánh mũi phập phồng lấy hơi. Ngấn cổ thon rung nhẹ theo giọng ngân. Cẩm thấy chị điệu đà, duyên dáng như một ca kỹ chính hiệu. Rồi Cẩm không khỏi thắc mắc, chị có được khúc hát nầy từ đâu, do ai chỉ dạy? Nhưng Cẩm không dám hỏi. Chị Châu có nhiều điều bí mật, mà một đứa trẻ con chưa tới tuổi bận quần đen như Cẩm không được phép biết tới. Chị thường nói với Cẩm như vậy, rồi bật cười giòn tan.

Một hôm, tình cờ, anh Chung tiết lộ điều bí mật nầy cho Cẩm biết.

Anh Chung mười ba tuổi, mép đã lún phún râu măng. Trưa nào đi học về, cơm nước xong, anh cũng ra nằm võng mắc giữa hai cây ổi lão. Một cây bốn mùa sai trái. Còn cây kia chỉ biếng nhác đơm bông mỗi mùa nắng, nhưng lá kết rậm rì, tàn toả bóng mát. Cẩm có chiếc ghế nằm bằng mây tự tay ba đan cho trong một lần về thăm. Mỗi bận anh Chung ra võng đong đưa giấc ngủ trưa, Cẩm cũng bắt chuớc khiêng ghế tới nằm bên cạnh. Trưa hạ nắng gắt, gió từ cửa sông thổi về mát rượi. Từ chái bếp, giọng chị Châu vọng ra trong lúc phụ chị Ba Khởi dọn bàn, rửa chén: "Từ đó khi xuân tái hồi, cho bùi ngùi thương nhớ tới xa xôi. Nhớ tới câu yêu thương người, một ngày tuổi mới đôi mươi…"

Cẩm khép mắt, mơ màng theo giọng hát chị Châu. Bỗng dưng anh Chung cất tiếng:

- Mầy hiểu thấu chị Châu hát cái gì không?

Cẩm bừng mắt ngơ ngác, đầu óc quay một vòng theo từng lời ca. Chợt Cẩm nhận ra, Cẩm không hiểu chút nào hết. Cái gì mà "tái hồi" với lại "bùi ngùi", rồi còn "yêu thương" và "đôi mươi" nữa?

Cẩm lắc đầu:

- Em không hiểu.

Giọng anh Chung nhỏ lại:

- Mầy biết không, tao nghi lắm. Tao đoán chị Hai đương để bụng thương ai.

Cẩm xoe mắt:

- Ai vậy anh?

Anh Chung thõng chân xuống đất, ngừng đưa võng, ngoái đầu ngó Cẩm:

- Mà mầy không được nói cho ai biết, nghe không?

- Em thề…

- Mấy bài hát là của thầy giáo Hoàng dạy chị đó.

- Sao anh biết?

- Ở trường, ai cũng biết hết á!

Cẩm đắn đo:

- Ừa… thầy giáo dạy chị hát, thì có sao đâu?

Anh Chung bực bội:

- Em út không được "ừa", mầy hiểu chưa? Mầy ngu lắm, hổng hiểu gì hết trọi. Bài hát có nghĩa như là… là… trai gái thích nhau. Tao hồ nghi chị Châu… thích thầy giáo Hoàng.

Cẩm chưng hửng:

- Anh đừng nói bậy, má nghe được đánh chết!

Anh Chung rút phắt chân lên võng, quay mặt chỗ khác, lầm bầm:

- Đồ con gái, ngu quá!

Mẩu chuyện không đầu đuôi với anh Chung một trưa nắng mát thỉnh thoảng gợn về tâm trí Cẩm. Những khi chỉ có hai chị em bên nhau, Cẩm muốn hỏi lắm, nhưng cố ghìm. Lỡ ra, tới tai anh Chung, anh nhéo tai đau lắm. Nhưng từ đó, Cẩm để ý tìm hiểu mấy lời ca chị Châu thường chuốc giọng.



*



Ba có một tủ gỗ chạm hoa văn, đánh vẹc-ni bóng ngời, cửa có khoá, phía trên lót kiếng ba ngăn đựng sách, phía dưới đựng vật dụng tạp nhạp. Tủ luôn luôn khoá chặt. Má cất chìa khoá trong tráp sơn mài để phía sau bàn thờ Phật chung với nhang thơm và dầu bông lài. Chỗ đó, Cẩm phải bắc ghế mới vói tới. Nhưng có bao giờ Cẩm dám nghĩ tới. Má đã căn dặn, tủ sách dành cho người lớn. Con nít như Cẩm chỉ được phép dán mắt sát lớp kiếng ố vàng lốm đốm, ngắm nghía cho mãn nhãn. Mà Cẩm có hiểu mấy chữ ép nhũ vàng, nhũ bạc trên gáy sách gì cho cam. Có cuốn bằng chữ Nho, có cuốn chữ Tây, có cuốn chữ Việt, Cẩm đánh vần được bặp bẹ: "Từ điển Việt ngữ", "Tam quốc diễn nghĩa", "Hồng Lâu Mộng", "Kim Vân Kiều", hay "Lục Vân Tiên". Vậy mà, không hiểu sao, những ngữ vựng cao xa đó đã kích thích tột độ trí tưởng tượng Cẩm. Nhất là những dịp ba về thăm, rảnh rang, ba mở tủ, rút ra một cuốn, ngồi đọc tới khi má nhắc thắp đèn. Thỉnh thoảng Cẩm chàng ràng bên cạnh, liếc mắt. Toàn chữ, chi chít. Có cuốn dặm tranh màu Tây Đầm lạ lùng, ngộ nghĩnh vô cùng. Đôi khi ba kêu anh Chúc đọc cho ba nghe. Anh Chúc ngồi xếp bằng trên ván, trong khi ba cởi trần nằm bên cạnh, lim dim mắt.

Giọng anh Chúc bổng trầm trưa nắng chan chan:

- Thời Vũ đế, nước Tề có người họ Đông Phương tên Sóc, tính ưa kinh truyện cũ, đọc rộng tất cả các bách gia chư tử. Lúc mới đến Trường An, Sóc đến dinh Công xa dâng thư, thư dài đến ba ngàn "giản độc"…

Tới đó, anh Chúc ngần ngừ:

- "Giản độc" là cái gì vậy ba?

Giọng ba uể oải, không mở mắt:

- Là thẻ tre. Đời xưa người ta chưa biết làm giấy, nên viết chữ trên thẻ vuốt bằng tre… Đọc đi, đừng hỏi nữa!

- Ơ… ơ… ba ngàn "giản độc", nha Công xa phải cho hai người khiêng mới xuể. Vua đọc thư của Sóc ở nội cung, mỗi khi ngừng phải vạch đánh dấu. Đọc ròng rã hai tháng mới hết. ([2])

Có khi, trong lúc nghe anh Chúc đọc sách, ba sai Cẩm nhổ tóc bạc, tóc sâu. Cẩm thích lắm, vì sau đó lần nào ba cũng thưởng công. Ba nằm sấp, lâu lâu lại trở đầu, vặn lưng, khớp xương lắc rắc. Cẩm săm soi, tìm tòi từng sợi bạc, sợi quăn, sợi rễ tre. Tóc ba hăng hắc thứ mùi pha trộn giữa hương nắng, mồ hôi và dầu xức tóc. Thỉnh thoảng mắt Cẩm rớt trên vai ba, chỗ có mụt ruồi lớn cỡ đầu tăm tre, lơ thơ mấy sợi lông quăn queo. Cẩm muốn nhổ phứt cho rồi. Hỏi thì ba "hừm" tiếng nhỏ, kèm theo lời giải thích: "Lông tài đó con, không được nhổ."

Và tai Cẩm mơ màng theo giọng đọc ê a của anh Chúc, thỉnh thoảng lạc giọng vì tiếng ngáp cố nén. Vậy mà cũng có vài điều sót lại trong trí nhớ Cẩm. Chúng vẽ ra một thế giới xa vời, rực rỡ màu sắc. Không giống như cái thế giới thoát ra từ mấy bài hát bóng bẩy, khó hiểu của chị Châu, mà là một khung cảnh tựa như buổi hát cúng đình. Với áo mão, cân đai. Với liễn đối mực tàu. Với núi sông thuỷ mạc. Với đèn màu và chiêng trống gióng giả. Cẩm bực bội tự trách, không hiểu sao mình nhỏ lâu.

Cẩm thích lê la cạnh chị Châu, mỗi khi chị cắp thau, gáo ra cầu ao gội đầu. Chị có mái tóc đẹp rụng rời, phủ ngang sống lưng, đen óng ả, phẳng phiu chớ không dợn sóng ba đào. Bởi vậy, chị gội đầu kỹ càng, lâu lắc. Chị thích hương chanh, thứ gì cũng vắt thêm chanh. Gội một lượt bằng xà-bông thơm mua ngoài chợ xong, chị múc nước đầy thau, vắt chanh, khuấy đều. Lần này Cẩm được phép lấy gáo xối nước cho chị xả tóc. Mỗi lần nửa gáo. Mà xối nhẹ thôi, chị Châu dặn dò. Cẩm nhận thấy rõ ràng màu tóc chị óng lên trong nắng, tương phản với làn da ót trắng muốt như cánh bông so đũa. Đôi khi chị lỡ làm ướt áo. Lúc chị đứng dậy, một phần ngực mọng lên dưới lớp vải trắng. Cẩm ngờ ngợ, chăm chú. Hình vẽ Tây Đầm trong cuốn sách dầy cộm của ba lờn vờn hiện lên trí Cẩm. Cũng ngực vai đầy đặn, trần trụi dải khăn vắt ngang hông.

Có lần Cẩm tần ngần nói với chị:

- Em ưa nghe mấy bài chị hát.

Chị Châu cười nhẹ, giỡn hớt:

- Ưa bài hát hay là giọng hát?

- Ưa luôn giọng hát. Chị dạy em hát đi!

- Đâu có gì khó. Mà em đọc chữ chưa rành, làm sao học lời?

- Chị hát trước, em nhái theo. Có mấy bài chị ca đi ca lại, em thuộc lòng.

- Bài nào?

- Cái bài "ngày ấy khi xuân ra đời" đó.

Hai má chị Châu chợt đỏ lơ đỏ lưởng:

- Ờ, ờ, người ta bắt chước theo nhạc tây.

Cẩm dạn dĩ hơn:

- Mà "xuân ra đời" là nghĩa gì vậy chị?

Chị Châu cười giòn:

- "Xuân" là mùa xuân, lúc cây cối trổ bông, còn "ra đời" là mới bắt đầu. Nghe nói, ở xứ người có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, chớ không phải chỉ hai mùa mưa nắng như bên mình.

Cẩm reo lên:

- Vui quá hén!

Rồi Cẩm nghiêng đầu, láp dáp ca vài câu. Chị Châu vắt khăn lên vai, rút lược, thong thả chải tóc.

- Mấy bài hát, bài thơ chị có được là do thầy giáo Hoàng chỉ dạy.

Giọng chị nhỏ nhẻ, ấm áp, khác hẳn mọi khi. Cẩm còn bỡ ngỡ chưa biết nói sao, chị tiếp:

- Mà em nhứt định không được kể cho ai khác nghe, hiểu không? Tới tai má, chị có nước nát thây.

Cũng thầy giáo Hoàng, Cẩm nghĩ thầm. Cẩm ít khi chạm mặt ông thầy giáo nầy, chỉ nghe anh chị thường xuyên nhắc nhở. Ổng là người miền ngoài lưu lạc vô đây làm ăn. Theo lời anh Chúc, ổng nói chuyện, dùng nhiều chữ kỳ cục, nghe tức cười hết sức. Mới đầu, không ai hiểu gì hết, riết rồi quen. Chị Châu bênh chằm chằm, thì người ta từ xứ khác tới đây, đâu phải người sinh đẻ nơi nầy. Bà nội xét nét, vậy thẩy không phải là người mình sao bây? Ai cũng cười. Chị Châu giải thích, người mình chớ nội, có điều gốc gác thẩy đâu đó tuốt ngoài Bắc lận. Má chép miệng, xa dữ thần ôn, chắc thẩy nhớ nhà dữ lắm, Tết tới, tụi bây nhớ nhắc má làm bánh mứt biếu thẩy ăn lấy thảo, nhân tiện mời thẩy tới nhà mình chơi.

Nghe lời mọi người bàn tán, Châu không khỏi nhớ lại những buổi học vui vầy bên cạnh thầy giáo Hoàng. Trường sơ học làng chỉ vỏn vẹn ba lớp năm, tư, ba. Lên lớp ba, đã biết đọc và viết tương đối rành rẽ, Châu được học với thầy Hoàng. Học trò tuổi tác chênh lệch, đứa nhỏ nhứt kém Châu gần chục tuổi. Bởi vậy, học lớp nào, Châu cũng được bầu làm trưởng lớp. Có nghĩa, ngày ngày Châu phải tới sớm, lên phòng cô giáo hiệu trưởng lấy danh bạ, phấn, giẻ lau bảng và rót nước để lên bàn thầy. Tan học, Châu phải nán lại chùi bảng, dọn dẹp bàn thầy, thỉnh thoảng còn ôm mớ tập bài kiểm về nhà giúp thầy. Châu lo tròn bổn phận, không chút nề hà. Vì lẽ gì, cô cũng không biết. Chỉ biết, mỗi lần được dịp rề rà bên cạnh thầy là lòng cô xôn xao, rộn ràng khó tả.

Nhiều trưa tan học, nắng chang chang, thầy Hoàng đi trước, Châu lẽo đẽo theo sau, chồng bài kiểm trên tay. Thầy Hoàng ăn vận tân thời, áo cụt tay lúc trắng lúc xanh da trời, quần tây màu đậm, thắt dây nịt, chân luôn luôn mang dép da. Mùa mưa, thầy che dù đen, xắn quần, tháo dép cầm tay, lội đường trơn trợt bùn đất, lồi lõm lỗ chân trâu. Hôm nào mưa bất tử, không đem theo dù, Châu được thầy cho che chung.

Một bữa tháng sáu, bão rớt, trời đất thịnh nộ, ôm chồng bài kiểm theo thầy về nhà, Châu được thầy cho vô nhà chờ mưa tạnh. Thầy nấu trà sen, đem đậu phộng rang ra mời Châu.

Thầy Hoàng mở lời:

- Em học xong lớp ba rồi dự định sẽ làm gì?

Châu đỏ mặt lúng túng:

- Dạ… thưa thầy, em cũng chưa biết.

- Em thích đi học nữa không?

Châu lí nhí:

- Dạ, thích.

- Nếu vậy, em phải ra trường tiểu học tỉnh.

Châu nói không muốn ra hơi:

- Thưa thầy, chắc không được. Má nói, con gái học nhiêu đó… đủ rồi.

Thầy cười, hàm răng trắng đều:

- Thầy cứ tưởng gia đình em theo mới, cho con cái ăn học đến nơi đến chốn.

Châu bắt đầu bạo dạn:

- Ba em là vậy, nhưng má với ông bà nội còn theo xưa, thưa thầy.

- Nếu em muốn, thầy sẵn lòng dạy em học tiếp.

Mặt Châu nóng bừng, tim đập thình thịch, không tin ở thính giác mình. Cô không dám ngó thẳng mặt thầy Hoàng:

- Dạ… dạ, em cũng không biết… Chắc má không cho.

- Hôm nào rỗi, em dẫn thầy đến nhà, thầy sẽ nói chuyện với má em. Thầy thấy em là người siêng năng, hiếu học, bỏ ngang tiếc lắm.

Châu cúi mặt, giấu vẻ ngượng ngùng:

- Em cảm ơn thầy.

Ngoài trời, đột ngột ánh chớp loé lên. Vài giây sau là tiếng sấm kinh thiên. Thầy Hoàng ái ngại nhìn ra khung cửa nhá nhem bóng xám. Mưa tí tách nhỏ xuống lối đi lót gạch ong, có chưng một con voi sành, chở trên lưng chậu bùm sụm trái nhỏ li ti. Cây dù giương to, phơi ráo ngoài hàng ba. Khung cảnh nầy, đã vài lần Châu đặt chân tới, nhưng chỉ tạt ngang chốc lát rồi chào thầy ra về. Vậy mà, không hiểu sao, hôm nay cô có cảm giác thân thiết, gần gũi lắm. Như đã thường xuyên tới lui. Mắt đã quen với mỗi góc cạnh, từng đồ vật bày biện. Mũi đã hít thở cái hơm hướm lạ lẫm mà khắng khít đằm đằm, tràn lan da thịt. Châu rùng mình tự giác, không biết vì hơi mưa lạnh hay vì xúc cảm?

Thầy Hoàng không để ý vì đang loay hoay lắp dĩa hát vô máy. Châu thấy cái máy hát nầy lần đầu. Thầy Hoàng nhấc cái ống loa loe rộng như cánh bông huệ lớn sang bên cạnh, rồi thong thả quay trục, sau cùng mới nâng đầu kim đặt nhẹ xuống mặt dĩa. Nối theo âm thanh lè rè là tiếng đàn thê thiết lạ tai. Cung điệu trầm bổng hoà tiếng mưa thầm thì, khiến Châu có cảm tưởng vừa lạc sang cảnh giới khác. Tâm tư cô đắm chìm trong cõi hư thực thanh tân, nơi chốn mà cô chỉ trải qua trong chiêm bao. Chân cô giẫm lên cỏ mịn. Tay cô xô nhẹ những phiến cửa khép hờ. Đất trời thênh thang trước mắt, rực rỡ ánh sáng và màu sắc. Có hơi ấm bàn tay đan ngón, kéo tới. Thời gian khựng lại ngơ ngác. Không gian mở ra mênh mông.

Giọng thầy Hoàng cất lên gọi thức:

- Tạnh mưa rồi. Em về thôi, kẻo nhà trông!

Châu nghiêng mặt ra cửa. Mưa thôi nhỏ giọt khi nào, không biết. Nhạc đã đổi điệu. Tiếng tây ban cầm réo rắt đuổi nhau.

Thầy Hoàng ân cần:

- Em nhớ cầm theo dù, lỡ mưa dọc đường.

Châu đứng lên, vuốt áo. Tự dưng cô có cảm giác, khổ áo hôm nay dường như chật hơn. Hàng nút áo căng theo đường cong trũng ngực. Hơi nóng bừng lên đôi gò má Châu. Cô chào thầy, bước đi mà nghe như luyến tiếc.



(còn tiếp)


 

 tiendaoduy
 member

 REF: 637314
 08/17/2012

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai
2pot

 

 tiendaoduy
 member

 REF: 637357
 08/18/2012

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai
(tiếp theo)



2.


Mưa bắt đầu rơi từ nửa đêm. Sáng ra, ngưng một đỗi rồi trút hột trở lại. Bầu trời quện bùn non xám xỉn. Chái nhà sau, chỗ dựng lẫm lúa và chứa nông cụ, dột vài chỗ. Giữa khuya, Cẩm thức giấc vì tiếng má hối chị Ba Khởi và chú Năm Tự lấy thau, khạp hứng mưa dột. Nhiều vệt đèn dầu xiên xéo khe ván hở. Tiếng chân người xê dịch lao xao. Mưa đập lào rào mái nhà. Gió chướng xô cửa sổ lá sách va lạch cạch vô vách. Chị Châu lật đật xỏ dép đi khép cửa.

Đã tháng sáu. Mạ vừa gieo tuần trước, thời tiết còn trổ nắng trong veo. Có lần ông nội nói trong bữa cơm, năm nay có mòi như mưa ít. Lệ thường, theo vòng tuần hoàn của mùa màng, tới tháng nầy nước sông đã dâng cao. Năm nào mưa dầm, nước ngập mấp mé nền nhà cao hơn nửa thước, phải bắc ván ra tới đầm nước cắm xuồng tam bản. Bằng không, nước chỉ ngấp nghé mắt cá chân.

Xong bữa lót lòng cháo trắng với trứng vịt muối, Cẩm và anh Chung thay quần áo sửa soạn tới lớp học thêm của thầy Hoàng trong mùa nghỉ hè, mỗi tuần ba buổi. Ngoài trời, mưa trở nặng, còn dặm thêm gió. Má kêu, thôi hôm nay cho hai đứa bây ở nhà. Cẩm và anh Chung khoái chí, lẹ làng thay quần áo. Được nghỉ, học trò đứa nào cũng ham, riêng chị Châu không vậy. Tuy đã thôi học, nhưng sáng nào chị cũng theo Cẩm và anh Chung tới trường. Cho đỡ buồn vậy thôi. Má tinh mắt, thấy hết, nhưng không hỏi. Chị Châu uể oải thay đồ rồi thắp đèn ngồi trước quyển sách mở bên cửa sổ khép kín.

Cẩm luẩn quẩn trong chái bếp, coi chị Ba Khởi sửa soạn bữa cơm trưa. Trước đó chị đã lừng chừng muốn chèo ghe ra chợ, nhưng má cản, nói mưa gió như vầy chợ chiếc gì, mầy coi trong nhà còn thứ gì, quơ quào nấu đỡ, mai đi chợ cũng được. Chị Ba Khởi sai chú Năm Tự dầm mưa ra vườn cắt trái bầu và bứt dúm hành lá. Chị nói với má:

- Con nấu canh bầu với tôm khô, nướng mấy miếng khô cá sặc dầm nước mắm xoài băm, được không dì Tư?

Má dặn dò:

- Sao cũng được, nhưng nhớ luộc riêng cho tao miếng bầu, tao chấm với tương hột.

Chị Ba Khởi đổi ý:

- Hay thôi, con luộc trứng vịt dầm nước mắm ớt.

Bà nội chen vô:

- Nhớ làm thêm chén nước mắm, mỡ hành, nội vét cơm cháy, nghe Khởi!

Má cười hăng hắc:

- Má còn mấy cái răng làm vốn, nhai đồ cứng, coi chừng mất vốn đa!

- Kệ má, con.

Chú Năm Tự bước vô, tay xách trái bầu đẫm nước nhểu nhão, miệng lầm bầm trỏng không:

- Gió thổi sập cha cái giàn bầu rồi.

Chị Ba Khởi xẳng giọng:

- Hành lá đâu?

- Luống rau ngập nước lênh láng, hành hẹ gì nữa mà bứt.

Chị Ba Khởi "hứ" tiếng lớn, xoay qua nói với bà nội:

- Con xào mỡ với hành củ, được không nội?

- Ờ, thì vậy chớ sao. Chú Năm nó đi thay đồ, không thôi cảm lạnh. Mà chú giỏi áng chừng phong thuỷ, thấy con nước năm nay ra sao?

Chú Năm Tự quơ cái khăn móc trên vách, lau ráo người, chậm giọng:

- Mưa mửng nầy, tui hổng biết chừng, nội à! Gió dữ lắm. Mây kéo giề vằn vện hướng cửa sông, thiếu điều nuốt trửng núi Phụng. Điệu nầy, tui nghi mưa gió liên hườn, nghe nội.

Giọng má nửa tin nửa ngờ:

- Sáng nay còn nghe chùa dộng chuông.

Bà nội chưng hửng:

- Sao má hổng nghe gì ráo.

Cẩm ngồi ngó mưa bên ngạch cửa dẫn ra vườn sau, vọt miệng:

- Con cũng nghe tiếng chuông.

Thật vậy. Lúc mưa mỏng hột, trời rựng miếng sáng len qua rãnh cửa, Cẩm trở mình. Đâu đó xa xôi, khi được khi mất, tưởng như từ góc hẹp chiêm bao vọng lại là tiếng chuông trầm mặc. Cẩm tỉnh dần. Chuông gióng từng hồi khoan thai. Thêm tiếng mưa rắc mỏng và gió giảm cường độ khiến hồi chuông nghe như ai khấn giọng từ bi. Trăm lần như một, nghe chuông, Cẩm không khỏi liên tưởng vuông mặt sắc cạnh của vị sư trú trì. Hai lõm mắt ông sáng ngời dưới cặp chân mày rậm, cong queo vài sợi bạc, dài gần chạm mi dưới. Tai lớn, đế cụt ngoẵng, liền với quai hàm bạnh, ánh xanh chân râu xuống tận chiếc cằm ngang. Ông ưa quấn cà sa vàng nghệ vắt chéo vai. Bên khoảnh vai trần thấy xâm mấy nét chàm ngoằn ngoèo, người ta nói đó là chữ Miên. Tới tai ông nội, ông hắng tiếng, bậy nà, chữ Phạn chớ Miên Lèo gì ở đây. Mặt mày nhà sư coi bặm trợn, tay chân ông bắp thịt u nần vậy mà giọng nói ông nhỏ nhẻ, hiền khô. Tới ngày rằm lớn, hay cúng Vu Lan, Đản sanh, má và bà nội đều đi chùa, lần nào cũng dắt Cẩm theo. Đôi lúc có thêm chị Châu, anh Chung.

Khởi hành từ hừng sáng. Chú Năm Tự chèo ghe chở ra chợ, từ đó tới chân núi Phụng bằng xe ngựa. Núi Phụng không cao, leo bộ được, những chỗ dốc người ta đốn cây làm bậc cấp. Chùa xây trên đỉnh bằng, chỗ đổ gạch vụn chỗ lắp gạch tàu. Mặt tiền hướng về tây phương. Phía sau dựng lan can gie ra sườn núi cheo leo. Những sáng trời đẹp, cảnh mặt trời rựng huy hoàng. Sân chùa trồng nhiều sứ trắng. Cẩm ưa lượm bông sứ, xâu chuỗi đeo cổ, toả hương thơm ngát. Giữa sân xây hồ nước chữ nhật trồng sen trắng. Trước hồ dựng một lư đồng lớn đại, cho thiện nam tín nữ cắm nhang khấn vái. Những dịp lễ lạt, khói hương nghi ngút. Khách thập phương đông nghẹt, Cẩm phải níu tay người lớn, sợ lạc.

Vậy mà cũng có lần Cẩm đi lạc. Đang đứng mếu máo giữa đám xô bồ thì có bàn tay ai đặt lên vai. Một giọng đàn bà cất lên:

- Con đi lạc, phải không?

Cẩm ngước nhìn. Gương mặt sư cô ưu ái cúi gần. Cẩm gật đầu, nước mắt lưng tròng. Sư cô nắm tay Cẩm dẫn lối, cười trấn an:

- Con vô đây ngồi chơi, đợi sư cô kiếm thân nhân cho.

Cẩm theo sư cô lách đám đông, ra sau chùa. Người thưa hẳn. Sư cô dắt Cẩm vô gian nhà rộng, mùi xào nấu thơm lừng. Chính giữa kê một bộ ngựa ván dầy cả tấc, kẻ ngồi người đứng loay hoay xắt thái, chuyện vãn rân ran. Rau củ, cơm xôi, bánh trái bày biện ê hề. Bên trái, cạnh ba vuông cửa sổ mở hoác, dãy ông táo kê nồi niêu son chảo, lửa khói tưng bừng. Nước mắt Cẩm tuôn đầm đìa, phần vì khói cay phần vì lo lắng. Sư cô phải an ủi, dúi vào tay Cẩm cái bánh ú. Cẩm không bóc ăn vội, cảm thấy bụng thấp thỏm đầy hơi.

Ngồi được một lát, Cẩm có thêm bạn đi lạc. Một thằng con trai, tóc bờm xờm mỏng dầy. Đi lạc mà vẻ mặt nó không lộ nét gì sợ sệt. Được sư cô cho bánh, nó bóc ăn liền, rồi chạy xin nước uống. Nó còn xáp lại chỗ nầy, tắp vô chỗ kia, miệng hỏi tay chỉ tía lia. Sư cô phải nắm tay, kéo nó về chỗ ngồi, cao giọng:

- Con ngồi xuống đó, cấm cục cựa! Nói không nghe, sư cô kêu sư ông tới bây giờ.

Thằng nhỏ le lưỡi sợ hãi. Ngồi yên mà nó cứ xoay qua ngó Cẩm chằm chằm. Nó có hai con mắt cá thòi lòi. Cặp môi vảnh ra, chực ăn chực nói. Rồi, như không dằn được, nó nuốt nước miếng cái ực, ngó xuống tay Cẩm, hỏi:

- Sao không ăn đi?

Cẩm xụ mặt làm thinh.

- Mầy nắm nó hoài, nó sình ra, ăn đau bụng, ỉa chảy đó!

Cẩm tiếp tục im lặng, lơi mấy ngón tay nắm bánh, mặt vẫn cúi gầm.

- Lạc vô chỗ nầy, coi như lạc luôn. Đứa nào không biết đường dìa nhà, sư ông giữ lại, cạo đầu bắt đi tu, coi như rồi đời.

Cẩm thót bụng, dịch vị ứa ra chua loét. Thằng nhỏ chót chét:

- Tao biết đường dìa nhà một mình đó chớ, nhưng giả bộ theo sư cô vô đây để ăn bánh.

Cẩm bắt đầu hoang mang, nhưng không nói ra, len lén liếc sang chỗ thằng nhỏ. Nó đang day nhìn chỗ khác. Cẩm thấy màng tang thằng con trai hằn một vệt trắng, dài tới sau ót, không một sợi tóc. Vành tai nó lốm đốm chấm trắng. Miệng nó láp dáp:

- Đi tu buồn lắm nghe mậy. Phải tụng kinh, gõ mõ suốt ngày, chán lắm. Mà cực nữa. Nhà mầy ở đâu?

Thằng nhỏ đột ngột xoay qua ngó Cẩm. Đứa con gái lúng túng:

- Không biết… Xa lắm.

- Sao khờ quá vậy? Nhà ở đâu cũng không biết, sao dìa cho đặng?

Giọng Cẩm nức nghẹn:

- Tao đi… đi… với má, với… bà nội.

- Đi với ai, kệ mầy! Không biết đường dìa nhà là đi tu mãn kiếp. Mầy thấy mặt sư ông lần nào chưa?

Cẩm gật đầu. Thằng nhỏ nhích ghế lại gần Cẩm, thều thào:

- Thấy mà ghê. Ổng dữ lắm nghe mậy. Đứa nào học kinh không thuộc, ổng oánh bằng roi cá đuối, ở đó cà rỡn!

Bộ mặt dị thường của nhà sư trú trì hiện lên trí Cẩm. Lần nầy đượm thêm nét gì như hung dữ. Cẩm lỏng tay cầm bánh. Dạ dầy Cẩm trợn trạo no hơi. Cẩm không thiết ăn uống gì nữa, chìa tay đưa bánh cho thằng nhỏ, mặt chằm vằm. Mắt đứa con trai sáng lên. Nó chụp lấy, lẹ làng bóc vỏ, bỏ vô miệng ngốn nghiến.

Ngoài kia, nắng đã lên cao. Mảnh trời trong vắt, không một gợn mây, làm phông bức tranh sơn thuỷ lồng trong khung cửa gỗ nâu bóng. Vài cành sứ già đâm ngang, lá thưa, bông đơm trắng muốt, bụ bẫm. Một sợi khói lãng đãng giây lát rồi tan biến. Tiếng tụng niệm rầm rì đệm tiếng mõ từ chánh điện theo gió đưa lại, lúc rõ lúc không. Chợt, có cánh chim gì không biết từ khung cửa trái lao ngang. Thoắt cái mất hút vào mênh mông. Tiếng cánh loạc xoạc rớt lại lẻ loi. Cảnh tượng diễn ra chỉ vài giây, mà sao Cẩm nhận rõ mồn một. Cái màu xanh rười rượi của bầu trời. Cành bông sứ no nê sức sống. Làn khói uốn mình theo nhạc kinh. Bóng chim ngoắt ngoảy vệt cánh đập, như vẩy mực mồng tơi lên sắc trời tinh khiết.

Cảm xúc Cẩm lúc ấy lạ lùng lắm. Nhiều sự việc xảy tới cùng lúc, dồn dập như đợt sóng xô bờ ngoài cửa sông ngày gió nổi. Cẩm bối rối cùng cực. Trong sâu thẳm giác quan tuồng như có động lực vô hình nào tách đôi Cẩm. Bằng nhãn quan của kẻ thứ hai, sành sõi, Cẩm nhận ra nhiều chi tiết mới mẻ, phân biệt rạch ròi giữa cái vô cùng rộng với cái vô cùng chật. Điều nầy khiến Cẩm vừa thích thú vừa lo sợ. Hai con mắt tinh tường của kẻ thứ hai trong Cẩm chứa đựng nhiều bí ẩn, như nội dung những pho sách dầy cộm của ba khoá kín trong tủ. Và, lần đầu tiên trong đời, Cẩm ngờ ngợ thấy ra mình không những còn một tương lai thậm thượt trước mắt, mà có cả những quá khứ mờ mịt sau lưng. Cẩm sợ có lúc mình sẽ là cánh chim mê muội lao về phía vô tận, đành đoạn bỏ lại chỗ nương náu quen hơi.

Cẩm xúc động bâng quơ, ứa nước mắt.

- Khóc hoài, rầu quá!

Thằng nhỏ cất tiếng than. Cẩm giơ tay áo, chùi ngang mắt.

- Mầy muốn nghe tao kể chuyện không?

Cẩm gật đầu. Thằng nhỏ điểm nhẹ ngón trỏ lên vai Cẩm vài cái dè chừng:

- Mà mầy không được thèo lẻo với ai nghe không?

Cẩm lại gật.

- Chuyện động trời, hổng phải giỡn chơi. Sư ông chùa nầy trước kia là tướng cướp đó nghe mậy.

Cẩm giật mình, trợn mắt ngó thằng con trai. Nó thản nhiên tiếp lời:

- Mầy có để ý thấy mấy chữ ổng xâm trên vai không? Chỉ có tướng cướp mới xâm mình, người làm ruộng, ai làm vậy? Không phải tao đặt điều tầm bậy đâu, tao nghe lóm người lớn nói chuyện với nhau. Ổng là người Việt gốc đàng Thổ, trước kia ở đâu đó miệt biên giới, chuyên cướp của dân thương hồ. Được cái, ổng ăn cướp để phân phát cho dân nghèo. Lần nọ ổng đánh cướp nhà ông phú hộ, nghe đồn giàu nhứt lục tỉnh. Tới nơi mới hay, ông phú hộ coi giàu vậy, đất đai ruộng vườn cò bay mỏi cánh, chớ tiền bạc vòng vàng chẳng có bao nhiêu. Nhằm lúc loạn lạc, đất ruộng bị chia xẻ manh mún. Ông bà phú hộ lại chẳng có con cái gì ráo. Đám bà con ổng bả được thể giành đất làm của riêng. Bữa đó, hổng biết ổng nói sao đó với đám ăn cướp, mà dìa nhà, tướng cướp bỏ xứ, cạo đầu đi tu luôn. Có ngộ hông?

Cẩm nghe chuyện mà đầu óc bay nhảy nơi đâu, nơm nớp không biết má và bà nội có kiếm ra chỗ nầy. Vừa lúc một giọng đàn bà ré lanh lảnh:

- Được, đồ quỉ phá chùa chay! Mầy trốn đâu làm tao tìm muốn chết?

Thằng con trai nhớn nhác ngó Cẩm, chép miệng, má tao, rồi rúm người lại, giơ tay che đầu. Người đàn bà xấn tới, đập chan chát lên lưng, lên đầu thằng con trai, rủa xả:

- Trời ơi, đồ yêu lồi! Xổng tay một chút là mầy chạy mất, trăm bận như một. Lần nầy là lần chót tao dắt mầy theo. Dìa nhà, mầy biết tay tao! Tao nhốt mầy vô chuồng heo, cho ăn cám xú.

Nhiều người xúm lại, can lơn. Cẩm xanh dờn mặt mày, ngó điệu bộ hung tợn của người đàn bà, chết trân. Thằng Được co người như con cuốn chiếu, lăn cù ra đất. Sư cô chạy tới, tách đám đông, chụp cườm tay người đàn bà, trấn an. Bà ta tiếp tục phân bua, mặt mũi đỏ gay:

- Tại sư cô với và con chưa biết, nhẹ tay với thằng quỉ nầy, hổng có được. Nó phá phách, đặt chuyện kỳ khôi lắm lận. Chớ dại mà tin nó. Biết vậy, thà tui đẻ hột gà hột vịt, ăn quách!

Nhiều tiếng cười lớn. Sư cô "mô Phật" liên hồi, tay giữ thằng Được, tay nắm người đàn bà, dẫn ra cửa. Từ đám đông nhốn nháo, Cẩm nghe giọng má dồn dập gọi tên.

Tiếng kêu "Cẩm, Cẩm ơi…" dạo nào lẫn vào tiếng mưa xào xạc vườn lá đầu ngày, nhỏ dần rồi mất hút, như tiếng chim đập cánh tan vào xa xăm. Câu chuyện "kỳ khôi" của thằng con trai tên Được theo màn mưa sóng sánh trở về xâm nhập trí Cẩm, nhểu xuống từng giọt chữ, xếp hàng méo mó lên trang vở ấu thơ Cẩm. Ẩn mật như những giấc mơ. Lao xao âm thanh. Loè loẹt màu sắc. Chợt Cẩm bần thần nhận ra, chúng có cả linh hồn. Như mỗi động vật. Luôn cả tĩnh vật. Điều mà Cẩm luôn luôn tin rằng có thật.



(còn tiếp)


 

 tiendaoduy
 member

 REF: 637470
 08/19/2012

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai
(tiếp theo)



*

Sang ngày thứ ba mưa vẫn không dứt, mà chừng như nặng hơn. Nước đã ngập lút lối đi. Trường chợ đóng cửa từ hôm qua. Trong bữa cơm, má dợm ý ông nội:

- Cha coi thời tiết nầy, liệu mình có nên chất đồ đạc lên gác?

Nhà dưới, chỗ lẫm lúa, có xây cái gác gỗ tạp cất vật dụng linh tinh. Thuở nhỏ, tới mùa gặt, lúa đầy lẫm, anh Chúc và anh Chung ưa trèo lên gác, long nhong xuống lẫm lúa, cười nắc nẻ.

Ông nội bình thản:

- Chờ thêm vài bữa, rồi tính.

Tới xế trưa, má kêu chú Năm Tự sửa soạn chèo ghe đưa má đi công chuyện. Bà nội lo lắng:

- Mưa dầm như vầy, con định đi đâu?

- Mưa lớn, nhưng không có gió. Con tới rạch Bần, thỉnh ý thầy Ba, coi sao.

Bà nội biết tính má, khó ai cản. Cẩm chộn rộn theo chân má vô buồng thay quần áo. Má biết ý, nói:

- Thầy Ba không ưa con nít. Má đi chút xíu về.

Cẩm xụ mặt, vớt vát:

- Má nhớ mua kẹo dừa nghe má!

- Để coi người ta có bán không đã.

Má thắt lại khăn rằn, rồi cắp dù, hối hả xắn quần men theo hiên nhà, ra cầu ván. Mây đen vằn vện như có ai rắn mắt quệt lọ nghẹ lên da trời. Mưa lắc rắc cầm chừng, lâu lâu lại quất mạnh đe doạ lên tàu lá chuối. Chú Năm Tự mình trần trùi trụi, bận mỗi cái quần xà lỏn đen, chống dầm bươn ra sông. Mặt nước lẩy bẩy run theo từng nhát chèo chém ngọt. Có con rắn nước ngóc đầu loằng ngoằng đâm ngang mũi ghe. Lòng sông vắng hoe. Nước ứa ra hai bờ, ngập lộ đất. Canh đồng lau sậy loi ngoi chết đuối. Cảnh vật mênh mang xám xịt. Chỗ vàm đất rẽ vô nhà thầy Ba, không còn thấy lối đi. Một thân dừa lở đất sóng soải vắt ngang mặt sông, chừa khe hở hẹp té, phải khom lưng mới qua lọt.

Chú Năm Tự lơi tay dầm, cản nước cho ghe chậm lại. Tiếng chó sủa khách từ lùm bụi um tùm vang ra. Thời tiết làm thổ ngơi nơi nầy đã tịch mịch càng thêm âm u. Mười lần như một, ghé lại đây, má đều cảm thấy rờn rợn sống lưng. Không phải sợ, mà e dè. Như thể mọi thứ chàng ràng chung đụng với thầy Ba đều hoá nên linh thiêng, huyền bí. Gốc gác thầy, làng xóm ai cũng biết, nhưng không ai tường tận. Nghe đâu, thầy mù bẩm sinh vì người mẹ mắc bệnh phong tình. Lẽ đó mà da dẻ thầy sần sùi, khô quắm, bàn tay trái mất lóng cụt ngủn. Mù vậy mà thầy thấy hết thiên la địa võng, chỉ cần mò mẫm lòng tay kẻ khác là xổ vanh vách chuyện khứ lai. Giác quan thầy nhạy bén khác thường. Nghe hơi gió tiếng mưa, bắt được độ nóng lạnh đêm ngày là thầy đoán ra thiên thời địa lợi. Chuyện hạn hán, rồi cào cào, châu chấu từ Cao-miên túa qua phá rụi mùa màng mười ba năm trước là do thầy tiên liệu. Tới chuyện nước mặn từ vịnh Xiêm-la tràn vô, gây lụt lội sông ngòi, làm thất mùa vụ lúa tháng mười hồi nẳm cũng do thầy báo động. Rồi những năm dịch hành, người chết không kịp rắc vôi, cũng chính tay thầy gieo quẻ, biết hết.

Gia cảnh thầy Ba trơ trụi, không vợ con chi. Ai ưng? Thầy nuôi một đứa ở gái, tên Mừng, kêu bằng cháu và một con chó mực chân cao chân thấp. Con Mừng tướng tá cục mịch, mặt mày bặm trợn, ăn uống như súc vật. Nó có bề ngang xấp xỉ chiều cao, hai bàn chân nứt nẻ ngang phè. Rảnh, nó ưa ra cầu ván, ngồi xoã tóc vuốt trứng chí, bỏ vô miệng cắn lách nhách. Có lời đồn, thầy Ba nuôi con Mừng không phải chỉ để phụ hợ chuyện cơm nước, mà còn để giải quyết dồn nén sắc dục.

Má nghe được, bỏ ngoài tai. Ở cái làng nầy, chuyện thị phi hà rầm, hơi đâu để ý. Lúc má hư thai, phải nạo bỏ, cũng có kẻ bêu riếu, cái thai là của người khác. Không biết có phải vì vậy mà sau nầy má ít đi đâu, khách vãng lai cũng thưa thớt. Nhà chỉ rộn ràng mỗi năm đôi ba bận giỗ Tết, hay những khi anh Chúc, chị Châu tụ họp bạn bè đàn ca hát xướng ngóng trăng rằm mùa nắng.

Con Mừng buộc chó vô chân bàn thờ ông thiên, rồi chẳng nói chẳng rằng, ngoắc mắt ngó má một cái, xăm xăm đi trước. Má hiểu ý, theo nó vô nhà. Chái lá âm u, thoảng mùi nhang đèn. Con Mừng tới chống cửa sổ. Luồng sáng lem luốc soi lờ lợ chỗ khách ngồi đợi. Cái ghế dài gỗ trơn, lót chiếu hai người ngồi kê cạnh chiếc bàn vuông, một chân chêm miếng ngói vụn như thể ếm bùa. Mặt bàn đã bày sẵn bình cắm nhang và hai chân đèn cầy bằng đất nung. Con Mừng bật hộp quẹt châm đèn. Má sửng mặt thấy nó nhếch môi cười khó hiểu. Hai lưỡng quyền đứa con gái lấm tấm mụn cám nhoài ra vũng ánh sáng loang dần. Nó rút ba cọng nhang, sắp ngay ngắn trước mặt má, rồi lạch bạch chân vịt lui vô gian trong.

Má yên tâm trở lại khi khe giọng hò chú Năm Tự đứt hơi, bạt gió ngoài cầu ván. Bỗng dưng má cảm thấy điều gì nghịch lý hết sức. Tự nhiên có sức mạnh vô hình thúc hối má tới đây, bất kể mưa gió, không hẳn chỉ vì bản tính tin chuyện bói toán. Điều đó càng rõ rệt hơn, khi thầy Ba chậm chạp bước ra ngồi đối diện má. Hôm nay, chẳng hiểu sao, thầy không đeo kiếng đen. Má rùng mình nhác thấy lần đầu cặp mắt không tròng, lòi ra hai khối thịt đỏ hỏn, tươi rói như rướm máu. Má không dám ngó lâu cái diện mạo quái dị của người đàn ông, cúi mặt răm rắp tuân theo lời thầy sai khiến.

Sau khi má đốt nhang cắm vô bình, miệng lâm râm khấn vái thần linh về chứng giám, thầy Ba kêu má ngửa tay lên bàn. Sống lưng má lạnh điện một dòng, khi người đàn ông lần ngón tay cụt một phần ba, mầy mò lên từng ly vuông lòng tay. Má nhắm rịt hai mắt. Trong giây lát thịt da tiếp xúc, má cảm nhận rành rành hơi lửa nóng từ ngón tay người đàn ông truyền sang. Và đường lóng tay rị mọ theo mỗi lằn sinh mệnh gây cảm giác ran rát như đầu kim chích. Tâm trí má rối rắm, quên tuốt quá khứ, chỉ còn trâng tráo mảnh thực tại lơ lửng trong bối cảnh lở loét của thời tiết.

Không hiểu thầy Ba mò mẫm đọc chỉ tay má bao lâu, khi thầy cất giọng mệt mỏi ra lệnh má nắm tay lại thì má nẩy vai vài ba cái, hé mắt nhận thấy ánh đèn cầy vàng lườm chói loà. Thầy Ba ngâm lóng tay cụt trong lòng tay má thêm chốc lát mới rút ra, chẩm rãi. Nỗi khoan khoái kỳ lạ nỗi chung đụng xác thịt lan khắp người má. Chợt, người đàn bà nhận rõ, đó chính là cái lý do thúc đẩy bà tới đây.

Người đàn bà thấy nóng rần rật hai gò má, sượng sùng hắng tiếng chờ nghe lời thầy. Người đàn ông thở hắt, mắt lim dim. Hai khối thịt rực ánh đèn, đỏ lên như loé lửa. Lâu sau thầy mới cất giọng, nghe như của ai khác:

- Thời gia đạo đương hồi phẳng lặng. Nhưng không lâu. Cái người thân kia biệt tăm xa lắc, không phải ngãi nhơn bất tín, ngặt nỗi rủi ro. Mười phần hết bảy, khó trở lại. Nếu được quới nhơn phò trợ, trở về, sẽ ở luôn. Còn thằng trai nọ mới thiệt khó lường. Nó lậm phải bùa mê thuốc lú, gieo rắc tai hoạ. Mệnh hệ nó vậy. Không cản được. Có điều, phận số đứa con gái mới đáng thương. Gặp phải duyên lứa khác thường, thêm lúc cơ đồ mạt vận, gánh nhằm hậu quả dai dẳng nhiều năm. Mà chớ phải riêng bà mắc vận, mà đa số đều vậy. Chút an ủi còn lại là tin tưởng chuyện thịnh suy. Không có gì sung mãn miết. Cũng không có gì suy thối thiên niên.

Nói tới đó, thầy Ba oải giọng, đầu ngúc ngắc như giũ sạch vướng víu. Mấy điều thầy vừa phán, má không hiểu trọn. Nhưng chung qui, nhiều phần xấu. Má rầu rĩ rút tay về, chán nản đặt lên đùi. Bấy giờ má mới nhận ra, hơi tay lạnh ngắt từ khi nào.

Má lần túi, lấy tiền trả quẻ. Toan đứng dậy ra về, má sực nhớ, lý do tới đây là để vấn thầy chuyện phong vũ. Thầy Ba chặc lưỡi:

- Mưa dầm kiểu nầy, tui áng chừng điềm gỡ. Tới ngày thứ bảy, nếu trời còn mưa, liệu bề tản cư lên núi Phụng lánh nạn là vừa. Tui cảm nhận cái mùi gió trong khí trời ám hơi hướm âm thần. Chưa đoán được nặng nhẹ ra sao, nhưng chớ coi thường.

Má thở dài:

- Tạ ơn thầy đã chỉ dạy.

Gương mặt người đàn ông trơ trơ, không cảm xúc.

Trong lúc thầy Ba tiếp má trong nhà khách, con Mừng rảnh tay, nhắc ghế đẩu ra hông nhà, ngồi ngó mông. Trời đất gì mà thê lương. Rặt một màu xám ngắt. Mây đọng từng giề đen đủi, in bóng lên tứ bề nước ngập. Điều may, nền nhà đắp tương đối cao. Nó chép miệng thành tiếng, nghiêng đầu rũ bện tóc rối nùi bung một bên vai. Tay phải nó ghịt tóc, kéo thẳng sợi, tay trái bắc qua rị mọ tước trứng chí. Được trứng nào, nó bỏ vô miệng nhằn cái "tách", đoạn niểng mặt, hai con ngươi lờ đờ như mắt cá nục, mép môi vảnh lên lệch lạc, khoan khoái. Nó quên bẵng thực tại.

Chợt, đằng sau lưng, phát ra tiếng cười "hì". Con Mừng giật thót, ngoảnh mặt lại, ánh mắt sắc nét hung tợn. Nó lườm lườm ngó người đàn ông chèo ghe đưa bà khách tới coi bói. Chú Năm Tự đang đứng chống nạnh, điếu thuốc vấn dính môi, mặt lí lắc. Con Mừng mắc cỡ, mặt sượng trân. Phắt cái, nó quàng tay ra sau gáy, hất mái tóc bù xù ra trước, phủ kín mặt. Lưng nó cong xuống, dẻo nhẹo, đầu kẹp giữa hai gối quần vải thô đã rượn chỉ.

Chú Năm Tự thản nhiên ngồi chồm hổm xuống cạnh con Mừng, gỡ điếu thuốc bắn ra bãi nước mênh mông nghe cái "xèo", cất tiếng:

- Mầy hổng nhớ tao, sao Mừng?

Không nghe tiếng trả lời.

- Tao thấy mầy lớn bộn rồi nghe.

Cái đầu tóc vẫn bất động. Chú Năm ngửng mặt hò lơi:

- Ớ… nữ thập tam, nam thập lục ơ… ờ… Người dưng xáp lại, con nghé đực cũng muốn cặp bầy…

Hai vai áo đứa con gái phập phồng. Chú Năm ghẹo tiếp:

- Giỡn chơi, mầy đừng giận. Tao hỏi thiệt, có con nghé đực nào để ý tới mầy chưa?

Phiến lưng con Mừng động đậy từng chặp. Rồi, không kềm được, đứa con gái ngấc mặt, vén tóc, cười rúc rích. Chú Năm Tự được thể, góp cười phụ hoạ, hò tiếp:

- Hò ơ… Vòng vo lục tỉnh sáu miền. Tới đây sắm ruộng, đóng thuyền ớ… ờ… cái mà đợi em.

Bấy giờ con Mừng mới lắp bắp:

- Tui… tui… như vầy, ai… ai mà thèm, chú?

Nói mà mặt nó ngó lảng đâu đâu. Chú Năm thấy tội, an ủi:

- Tại chưa bén duyên, chớ người ta ai cũng có cặp.

Con Mừng cúi mặt, lí nhí:

- Nói vậy… vậy chú… cặp với ai chưa?

Chú Năm giật mình, ngẫm lại thân phận, cũng cô lẻ chiếu đơn. Chú cười khì:

- Duyên tao cũng chưa bén, Mừng à.

Rồi chú ví von:

- Mưa gió như vầy, lửa nào bén nổi.

Con Mừng ngước mắt lên thinh không. Mây đen quện tứ phương. Nó chép miệng, bắt chước giọng điệu thầy Ba mù:

- Tui áng chừng điềm gỡ, nghe chú!



(còn tiếp)


 

 tiendaoduy
 member

 REF: 637529
 08/20/2012

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai
(tiếp theo)

3.

Sang ngày thứ bảy, sáng ra, mưa vẫn rì rào. Nước sông đã dâng cao hơn nền nhà. Rác rến, cỏ mục và xác gia súc trôi lều bều đây đó. Vài hôm trước, lúc nước vừa ngập lé đé hàng ba, má đã hối thúc mọi người thu dọn vật dụng lên gác. Nhà nhiều gian, đồ đạc toàn bằng gỗ nặng, gác lại bắc ván mỏng, nên chỉ khuân lên những thứ nhẹ, cần thiết. Chị Châu vừa tóm vén quần áo, sách vở và mấy cuốn tập chép thơ, nhạc vừa thút tha thút thít. Cẩm có chiếc va-ly con bằng mây đánh vẹc-ni nâu, ông nội tự tay đan lấy, cất hoài trong tủ, nay được dịp đem ra xài. Cẩm lựa ra mấy bộ quần áo ưng ý, tẩn mẩn xếp gọn vô va-ly, cùng tất cả quà cáp của ba mua cho. Má huy động chị Ba Khởi đem gạo nếp, mắm muối và lương thực khô, phần chất lên bộ ngựa nhà bếp, phần đem lên gác dự trữ. Lúa còn hai phần ba lẫm, má kêu chú Năm Tự hốt đổ đầy hai bộ thọ dành cho ông bà nội kê trên cặp chân ngựa dọc mái hiên nhà. Đâu đã đủ, phần còn lại anh Chúc với anh Chung xúc vô bao bố, chèo ghe tải lên núi Phụng, gởi trong chùa. Ông nội lo dọn dẹp cây kiểng lên chỗ cao ráo. Chẳng mấy chốc, nóc tủ bàn thờ đầy nhóc nhách đồ xưa và chậu kiểng lùn. Còn mấy hòn giả sơn, ông nội bỏ thí ngoài mưa gió. Tội nghiệp, bà nội tuổi già liệu lẫn, cứ xê dịch bộ ấm trà men rạn ưa thích và tráp con sơn mài đựng trầu cau từ chỗ nầy qua chỗ kia, mà vẫn chưa vừa bụng. Tới khi ông nội dằng lấy, xách thẳng lên gác, bà mới thôi than thở.

Rạng ngày thứ tám, má thức sớm, ra ngó hướng đông. Mây đùn lên, lớp lớp ba đào. Gió không đủ mạnh, thổi mây tan. Thinh không nặng trịch hơi nước. Trời đất biến thành vùng đại hải, a dua liên hoàn cùng sấm sét. Má nhớ lời thầy Ba dặn dò bữa trước, hối thúc cả nhà lên ghe, nhắm hướng núi Phụng.

Nhà có hai ghe, một tam bản và một ngũ bản. Má kêu chú Năm Tự và chị Ba Khởi lùa con heo nái vừa chạm nọc tháng rồi và khiêng hai giỏ mây chen chúc gà vịt chục con lên chiếc tam bản. Số còn lại dồn hết qua ghe lớn cùng quần áo và gạo mắm dùng ngắn hạn. Anh Chung ngồi mũi, anh Chúc chèo lái. Ghe khẳm lườn, mưa trút không thương tiếc, má và chị Châu phải liền tay tát nước. Cẩm ôm khư khư chiếc va-ly trong lòng, tóc tai mặt mũi đầm đìa nước mưa, cả hai dòng nước mắt lo sợ. Lần đầu trong đời, Cẩm thấy nước nhiều như vậy. Lênh láng. Vô tận. Phù sa rặt một màu xương xáu. Mà không phải chỉ có nước, còn thấy xác heo chó phình trương, lềnh bềnh. Cả xác người. Cái sấp cái ngửa. Cái quắp tay chổng trời, cái bung tóc bấp bênh quấn củi mục. Mỗi lần như vậy, má tức thì ngừng tay tát nước, giơ che mắt Cẩm. Cẩm chỉ dám nhìn một lần cảnh tượng khủng khiếp đó. Sau đó, mỗi bận nghe anh Chung hô lớn, xác tắp xác tắp, là Cẩm tự động cúi mặt, nhắm mắt kín mít.

Cẩm nhớ lúc trước theo má và bà nội tới núi Phụng bằng xe ngựa, đâu có xa lắm. Sao lần nầy, ngồi ghe, thấy lâu lắc lê thê. Tới chân núi, hoá ra ghe chèo lạc hướng vòng vo nhiều tiếng đồng hồ. Chị Châu buột miệng càu nhàu. Anh Chúc bực bội:

- Tới được là may rồi, ở đó cằn nhằn. Lụt lội tràng giang đại hải như vầy, sao định được phương hướng? Giỏi, chèo đi!

Má mắng:

- Tụi bây câm miệng lại! Lo khiêng đồ lên chùa, không thôi trời tối.

Bây giờ mọi người mới để ý. Ở phương đông, bóng ngày đã nhá nhem sẩm màu. Một vệt đen đủi, thô kệch, vắt vẻo bám lưng trời. Hướng đối diện, le lói ánh chiều, tím ngắt như ứa máu bầm. Anh Chúc cắm sào, buộc ghe vô thân cây gần đó, vuốt mặt cho ráo nước mưa, rồi lẹ tay khiêng đồ đạc khỏi ghe. Anh xốc nách Cẩm, đặt lên tảng đá lớn. Cẩm mếu máo, quay mặt quanh quất, không tin ở mắt nhìn.

Không phải chỉ riêng gia đình ba má tản cư lên núi Phụng, mà sa số. Người, như lũ chuột nước lụt, từ hang hốc đâu kéo về, lố nhố. Tiếng gọi nhau, tiếng quát tháo, tiếng chửi rủa, tiếng than khóc lẫn tiếng gia súc vang vẳng chỗ đất hẹp, nơi bằng phẳng duy nhất gần lối lên chùa. Đất cỏ nát bấy chân người, lầy lội bùn sình, trơn như thoa mỡ. Cẩm ngước mắt lên con dốc rắn trườn cong giữa lùm bụi um tùm, thấy dòng người chen nhau, lúc nhúc, hỗn độn như bầy thú tan tác. Vài đốm đèn chai tắt hiện tựa ma trơi. Thỉnh thoảng một lằn chớp xé trời, loằng ngoằng loé bóng những thân người di động. Tiếp theo là tiếng sấm kinh thiên hoà cùng dăm ba tiếng rú hãi hùng. Hai chân Cẩm lập cập, muốn khuỵu xuống trước cảnh tượng quái dị. Chợt, có bàn tay ai kẹp lấy cổ tay Cẩm, lôi đi tuồn tuột. Mưa phẫn nộ, chan hoà. Gió từng cơn nghiến rít khe lá, tưởng như roi quất xiên xéo thinh không. Chân ai giẫm lên gót dép. Cẩm chói lói kêu lớn:

- Dép của con… má, má!

Má lạc giọng:

- Vụt đi!

Rồi như hét:

- Chúc, nắm tay bà nội! Thằng Chung… Chung đâu, coi chừng ông nội! Châu, lẹ lên!

Tiếng má bạt theo gió, tan biến vào chuỗi tạp âm, nghe như một đám hát sơn đông mãi võ kỳ dị…

Khi khứu giác Cẩm bàng bạc bắt được hương bông sứ, và đột ngột, một hồi chuông hoàng hôn dõng mãnh dội vào không gian, Cẩm mới thực sự hoàn hồn. Chuông gióng gần lắm. Như lời chào đón hoan hỉ. Như ngàn bàn tay thanh âm xoè ra, từ bi đón nhận lũ chúng sinh khốn nạn. Nhiều người buông giọng "mô Phật" liên hồi. Gót chân Cẩm giẫm lớp gạch vụn rải sân chùa, đau nhói. Khoé mắt Cẩm đục ngầu nước mắt và mưa gió lập loè nhiều đốm đèn vàng lợ, có chỗ sáng rực sắc trắng vài ngọn măng-xông. Bóng tối thiên tai úp xuống chóng vánh. Mới đó đã phủ trùm đen nghịt. Đám người mệt lả tự động chúi lưng xuống khoảng sân rộng, nằm ngồi hỗn độn. Má cũng ấn vai Cẩm ngồi xuống. Cẩm mềm nhũn như sợi bún, ngả vào lòng má, rã rượi tan theo cơn mê bầm dập kinh hoàng, nhấp nhô xác sinh vật trên sóng nước phù sa đen đủi.

Cẩm ngất đi bao lâu, không rõ, lúc ngũ quan Cẩm mong manh khẽ chạm bờ hồi sinh, thì mơ hồ nhận ra bóng ngày. Có những khối sáng lờ mờ đập vào thị giác Cẩm. Lớp lớp đục lờ tròng tréo đan lên tiềm lực Cẩm, vực dậy. Chốn nầy, Cẩm cảm nhận yếu ớt, đã có lần đặt chân tới, đã thấy qua khi nào rồi. Cẩm chớp mắt định thần. Một vệt nâu bụ bẫm đâm ngang khung ảnh trắng đục. Và lắc rắc những đốm sáng rỡ, mịn màng, tươi rói như lộc non. Cùng lúc với giọng người lắc lay gọi tỉnh. Tâm cảm Cẩm bật thức, nhận ra cành sứ đơm bông trắng ngoài cửa bếp một lần đi lạc.

Ảnh sắc quanh Cẩm rõ dần. Nhiều khuôn mặt cúi gần. Má, bà nội, rồi chị Châu, anh Chúc, tới ông nội, anh Chung. Sau cùng là mùi dầu khuynh diệp quen thuộc ám đầy mũi Cẩm, và gương mặt ngắn, phúng phính hai gò má của chị Ba Khởi. Không thấy chú Năm Tự đâu. Còn ba? Cẩm tự hỏi, giờ nầy ba đang phiêu bạt nơi nào, có hay cảnh nhà đang lâm cơn gian khổ? Dưng không trực giác Cẩm bất an khi nghĩ tới ba. Cẩm láp dáp:

- Ba, ba đâu?

Nhiều nét mặt ngơ ngác, đưa mắt ngó nhau. Má nhẹ vuốt tóc Cẩm:

- Ba không về được. Khi nào nước rút, ba về.

Cẩm thều thào:

- Khát! Cho con nước!

Gương mặt chị Châu vụt biến khỏi tầm mắt Cẩm. Hai dòng nước mắt không nguyên cớ lăn chậm xuống thái dương Cẩm, ấm áp như hai ngón tay ba dạo nọ nhúng màu nước vẽ hề lên mặt Cẩm. Tiếng cười Cẩm lúc soi gương vọng lại khanh khách như mảnh vụn pha lê vỡ nát xuống nền gạch. Không phải, mà là phiến gương quá khứ rực rỡ, ai đành đoạn đập bể tan tành. Cẩm nức lên, thấy khuôn mặt hề rạn nứt trăm mảnh méo mó, dị hợm.

Chị Châu trở lại, tay cầm chén nước, tay nâng đầu Cẩm, kê vào miệng. Cẩm hớp lấy hớp để, khiến chị Châu phải lên tiếng:

- Từ từ em, kẻo sặc.

Bàn tay má mơn vuốt đầu tóc Cẩm, lau nhẹ hai vệt nước mắt quằn quện:

- Có gì đâu mà khóc. Mai mốt mình về nhà!

Chưa bao giờ Cẩm thấy hai tiếng "về nhà" gần gũi, thân thiết như vậy. Cẩm dáo dác:

- Mình đang ở đâu vậy má?

- Trong chùa Phụng, con không nhớ sao?

Cẩm chau mày. Má nhắc:

- Hai hôm trước nhà mình tản cư lên đây tránh lụt. Tới nơi, con ngã ra chết giấc, mê man hai ngày hai đêm làm má lo muốn chết. May có Phật độ. Con thấy trong người ra sao?

Cẩm ngơ ngác:

- Con thấy ba về, bôi mặt cho con làm hề.

- Lụt lội như vầy, ba làm sao về được con? Con có đói bụng không, má đút cháo cho ăn?

Giọng má nghe hiền từ, mà sao đườm đượm nỗi gì như than trách. Cẩm gật đầu. Má sai chị Châu đi múc cháo. Ăn xong chén cháo với đường thẻ, mồ hôi rịn hột, Cẩm thấy khoẻ khoắn, tinh thần minh mẫn hẳn. Thêm một giấc ngủ vùi, dặm nhạc mưa và chuông mõ ru êm, Cẩm tỉnh giấc lúc trời còn chạng vạng. Nhổm lưng ngồi dậy, Cẩm lờ mờ nhận ra quanh mình, người nằm sắp lớp. Nếu đó đây không nghe tiếng ngáy và nhiều hơi thở mệt, đứt quãng, Cẩm đã nghĩ rằng mình đang nằm cạnh vô số thây người la liệt. Rãnh cửa hé rọi đường sáng nhờ nhợ. Cẩm ngóng tai. Không còn tiếng tai ương giận dữ. Tất cả phẳng lặng, yên tĩnh như thể những gì xảy ra hôm trước chỉ là quyển truyện kinh dị, gấp sách lại là hết.

Cẩm rón rén giở mền, rời chiếu nằm, lần theo vạch sáng, ra cửa tìm nước uống. Cẩm không muốn tin ở mắt nhìn. Đáy trời, tận nơi xa, ánh bình minh rựng sáng, nhuốm hồng vân vi. Sắc hồng của ngàn nụ dâm bụp non. Sắc hồng rướm tươi rói hai má chị Châu những trưa gội tóc ngoài ao nắng. Cẩm như bị thôi miên, chân không dò dẫm theo luồng sáng nhàn nhạt dẫn lối, run rẩy rơi xuống sân gạch, toả sương mỏng. Bàn tay và hơi thở của thiên nhiên nhẹ lắm, vô cùng dịu dàng, bất giác bị khuấy động bởi giọng người khe khẽ. Cẩm nhíu mày, khựng chân bên cội sứ già, vạm vỡ.

Một đỗi im lặng. Rồi hắt lên tiếng cười khẽ khàng, cố nén. Một giọng đàn ông:

- Mượn bàn tay thôi… rồi trả.

Âm hưởng cách nói không phải miệt nầy. Cẩm ngờ ngợ…

- Mà… mà không được nắm chặt… nghe thầy!

Lồng ngực Cẩm, có ai nện trống lùng bùng. Giọng nói nầy, tiếng cười ấy, đâu ai khác ngoài chị Châu. Và Cẩm hiểu ra, tiếng đàn ông nọ… Trời, của thầy giáo Hoàng. Cái người mà Cẩm đôi khi chạm mặt ngoài sân chơi, lúc tan học, nhưng hiếm khi Cẩm dám ngó thẳng mặt. Đi ngang là khoanh tay, cúi đầu chào khép nép. Cái dáng người, khoảng khắc này, còn sót lại sắc áo trắng tinh như loá nắng, đọng ám trí nhớ Cẩm. Lạ lẫm. Xa cách.

Cẩm mon men trở lại chỗ nằm. Cổ họng vẫn khô khốc. Dịch vị trào lên, chua loét. Cẩm cong lưng, dỗ giấc ngủ tiếp. Lại thiếp đi.

Cẩm thấy mình thất thểu lạc giữa đồng cỏ khô cằn. Chân trần tránh né khe đất nứt nẻ. Áo quần tả tơi. Đầu tóc bù rối. Chung quanh, không một bóng người. Chỉ có đất trời và nắng chan lửa, thiêu đốt. Cẩm cứ lầm lũi dấn bước, không mục tiêu. Lạ nỗi, tuy khát, nhưng Cẩm đi không phải để tìm nước uống. Mà có tiếng ai từ tâm khảm gọi về, xui Cẩm bắt đầu cuộc hành trình gian nan. Dẫu những mất mát và hoài nghi, vẫn không màng. Cứ đi, lủi thủi tiến tới. Nơi đó, chỗ Cẩm dừng chân, sẽ có người dang rộng vòng tay, sẽ có người rót vào tai Cẩm những lời thân tình mà Cẩm chưa từng nghe, sẽ có người kê vào rãnh môi Cẩm bầu nước giang hồ chứa chan những hoài bão lớn. Hai vạt áo phong sương của người ấy sẽ mở ra, phủ bóng yêu dấu choàng lấy Cẩm. Những ngón tay sẽ chặm khô vết mồ hôi nhọc nhằn trên trán Cẩm, khua lên, gọi thức những trang dĩ vãng đẹp đẽ như chuyện cổ tích. Nhân vật ấy, không phải chỉ có trong thần thoại, mà chính là ba. Cái hình bóng ròng rã nhiều đêm liền, trở về ám mộng Cẩm không nguôi.

Cẩm giật mình tỉnh giấc khi có người đánh thức. Chị Châu.

- Em chiêm bao thấy gì mà ú ớ dữ vậy?

Chị hỏi, vẻ mặt tươi tắn. Cẩm dụi mắt, nhớ lại giấc mộng lạ lùng. Chẳng hiểu sao, Cẩm không muốn kể cho chị Châu nghe, nên nói lảng:

- Quên rồi. Em khát nước.

Chị Châu vui vẻ đi lấy nước cho Cẩm. Ngoài kia, nắng soi mỏng cành lá. Da trời ửng màu ve chai sau vuông cửa. Gian bếp rộng, chỗ tạm trú cho dân tản cư, sống động hẳn. Trẻ con đuổi nhau giữa mớ chiếu chăn bừa bộn, cười giòn tan. Người thân Cẩm đi đâu mất.

Cẩm uống một hơi cạn chén nước, rồi quệt mép hỏi:

- Nhà mình đi đâu hết rồi chị?

- Ông nội đang tập thể dục ngoài sân. Bà nội với má lên chánh điện tụng kinh cầu an. Anh Chúc bận họp hành gì đó. Còn thằng Chung chạy đi chơi rồi.

Cẩm thắc mắc:

- Anh Chúc họp hành gì vậy chị?

- À, em chưa biết. Thầy giáo Hoàng cũng tản cư lên đây. Thẩy đề nghị sư ông chia công tác cho mọi người. Ông bà nội trong đội bô lão. Má thuộc cánh phụ nữ lo việc ẩm thực. Anh Chúc với thằng Chung trong toán thanh niên giữ an ninh, trật tự. Chị là đoàn viên y tế và vệ sinh. Chị Ba Khởi, chú Năm Tự cũng có chuyện làm, coi đám gia súc và ra giếng gánh nước. Em khoẻ rồi, để chị nói với thầy cho em vô đội thiếu nhi học tập.

Cẩm ngơ ngác:

- Phải học nữa sao?

Chị Châu giơ tay vuốt tóc Cẩm:

- Nghe oai vậy chớ học hành khỉ khô gì. Toàn là ca hát với lại chơi giỡn. Thôi, em đi rửa mặt!

Rồi, nội ngày hôm đó, Cẩm được nhập đội thiếu nhi, họp mặt trong nhà trai. Nhiều đứa là bạn học Cẩm. Đội trưởng là các chị lơn lớn. Cẩm sà lại manh chiếu có nhiều đứa quen. Chưa ấm chỗ, thì có đứa vỗ vai, giọng hớn hở:

- Ê, nhỏ mít ướt.

Cẩm quay lại. Thằng Được cười toét, nhe hàm răng siết ăn lỗ chỗ. Cẩm cười trả, không nói. Thằng Được tự động ngồi xuống sau lưng Cẩm. Suốt buổi, mặc chị đội trưởng chỉ dạy cách giữ vệ sinh ngừa bệnh dịch, thằng Được cứ chồm mặt lân la gợi chuyện Cẩm. Tới nỗi chị đội trưởng phải tách nó ra ngồi riêng một góc, mới yên.

Chị đi trưởng vỗ tay yêu cầu im lặng:

- Bây giờ các em đồng ca bài "Đàn chim nhỏ", chị dạy hôm qua. Một, hai, ba, …

Chị bắt giọng, tay ra nhịp. Lũ trẻ con như bầy cưỡng đồng, ngẩng cổ vô tư, nghiêng mặt líu lo ca theo. Bài hát lạ hoắc lạ huơ. "Chúng em là đàn chim nhỏ, tự do trong trời xanh. Quê hương mình đẹp như tranh. Lúa vàng và sông rộng. Tha thiết mãi trong lòng…" Cẩm không thuộc lời, chỉ vỗ tay phụ hoạ. Tia mắt Cẩm chểnh mảng ngó ra khung cửa sổ mở bung có nhiều khuôn mặt tò mò ghé nhìn. "Chim ơi, chim ơi, tự do ơi, bao la. Từ rừng núi tới biển xa. Một dải huy hoàng của riêng ta…" Một khuôn mặt kệch cỡm đập vào mắt Cẩm. Cái đầu lắc lư theo điệu hát, tóc rối bù. Bộ dáng xấu xí ấy, Cẩm đã gặp rồi. Khi nào? Ở đâu? Cẩm cố moi trí nhớ. "Chim ơi, tự do ơi, cho ta…" Lời hát vẫn nhịp nhàng bên tai.

(còn tiếp)


 

 tiendaoduy
 member

 REF: 637878
 08/25/2012

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai
núi đoạn sông lìa – phần 6
Ngô Nguyên Dũng





(tiếp theo)

*

Chiếc tam bản hai người chèo, một người dẫn lối, lướt phăng phăng trên mặt nước lặng gió. Đêm thượng tuần, trăng sừng trâu nhếch nhác. Sau vài hôm mưa tạnh, mây tan, đêm ráo hoảnh, nhấp nháy tinh tú. Chúc cất tiếng hỏi người ngồi trong khoang:

- Rành đường thiệt không, ông Chín? Sao tui nghi quá. Lũ lụt minh mông, lênh láng như vầy, đường nào mà mò?

Người kia chặc lưỡi:

- Thiệt mà, tin tao đi! Hai đứa cứ việc chèo tới ngã ba Cầu Đúc cho tao!

Người chèo mũi cười khục khặc:

- Tui biết chỗ đó, gần nhà ông Bảy Cứng, có đứa con gái đẹp ác, cô Sự.

Chúc tán đồng:

- Ừa, cổ đẹp thiệt tình. Cặp vú khỏi chê, nghe Mười!

Người tên Mười chọc ghẹo:

- Trai tân như mầy, để ý tới vú vê, đít điếc, coi chừng khí hư dồn lên mắt, hổng tốt nghe Chúc!

Chúc gân cổ:

- Tân gì tui cha!

- Mất trinh hồi nào vậy?

- Hồi tui theo chú Đức đi dắt trâu.

Thằng Mười tỉnh khô:

- Sao tao nghi mầy cáp độ nhằm trâu cái quá Chúc à!

- Trâu cái trứng dái tui! Tui nói thiệt mà hai cha cứ giỡn, tui đíu kể cho nghe.

Thằng Mười nói vuốt:

- Tao tưởng mầy thuộc hạng công tử bột.

- Bột bị gì tui. Thiệt ra, má tui cản, nhưng ông nội bắt đi dắt trâu để tập tành gian khổ với người ta.

Ông Chín nóng ruột:

- Rồi cớ sao mầy mất trinh?

Chúc chúi dầm nghe cái "chách" xuống mặt nước đen ngòm, cất giọng thủng thẳng:

- Tui được chú Đức thưởng công, tại tui biết chịu khó…

Hằng năm, tới mùa nước lụt, các nhà bá hộ có lệ thuê người dắt trâu tới miệt cao ráo cho ăn vài tháng. Chú Đức, em trai ba, chuyên đầu nậu nghề nầy. Chú quen mặt hết thảy thanh niên trai tráng nơi đây. Cần, chú chèo xuồng tới hỏi qua một tiếng là gom đủ số. Năm rồi, ngoại lệ, ông nội Chúc là người đích thân dẫn thằng cháu tới nhà chú, biểu chú cho đi dắt trâu. Gia cảnh chú Đức một vợ năm con, huê lợi ruộng đất đủ xài, nhưng bản tính chú phong lưu, rộng rãi, đâm ra thiết hụt. Thím Đức lo không xuể, buồn rầu, trở nên ba trợn. Từ đó, một tay chú lo kiếm lợi tức nuôi vợ con. Cứ tới tháng chạp, Chúc lại thấy chú sắm bộ bảnh bao tới thăm ông bà nội, nhân tiện vay tiền, mượn gạo về ăn Tết.

Huyết quản bên họ nội Chúc có máu lang bạt. Ba miệt mài đó đây, ngược xuôi Nam Bắc. Chú Đức hành nghề dắt trâu, mỗi năm vắng nhà ròng rã suốt mùa mưa. Tháp tùng theo chú lần vừa rồi, Chúc còn biết thêm chú có thói trăng hoa, phóng đãng. Mấy đứa theo trâu, mỗi khi vắng mặt chú, lấy đó làm đề tài giải khuây. Đứa nói, tại bà vợ khật khùng, không cho chú cắm lỗ, nên chú sinh tật. Thằng khác cho rằng, tại chú tuổi mùi, dê đực tới mùa động tình, bao nhiêu cũng không đủ.

Cái nghề dắt trâu, đầm mưa dãi nắng, sông ruộng sình lầy, mấy tuần liền ngủ bờ ngủ bụi là chuyện thường. Theo kinh nghiệm, phải len ngược đường nước dâng, mới đỡ mất công lội sông. Xứ nầy, sông ngòi chằng chịt, chỗ nào đất ráo nhiều cỏ, rạch ròi gọn bâng như bản địa đồ trong đầu chú Đức. Ngã sông nào có đồn bót Tây đóng, chú né. Cả những chỗ dừng chân nghỉ tạm, chú rành sáu câu. Mỗi nơi, chú vui vẻ sắm một bà vợ nhỏ.

Có đêm, vui miệng, chú kể chuyện huê nguyệt. Đám con trai, đứa nào đứa nấy bắp thịt cùi cụi, sinh lực cồn cào, nghe xong đều mộng tinh. Một lần, chỉ có hai chú cháu, chú Đức khều tay Chúc, cười mím chi:

- Cái tạng mầy, tao cá mười ăn một, gái theo phủi không hết, nghe Chúc.

Chúc sượng trân, làm thinh.

- Tao hỏi thiệt, nếu mầy khứng, ghé chỗ kia, tao nói một tiếng là có đứa bưng dưng mầy cấp kỳ.

Chúc đỏ mặt lúng túng:

- Tui còn… còn… nhỏ mà chú!

- Trời, mười bảy tuổi, cu dái mở mắt, mọc lông mọc cánh rồi mà nhỏ nỗi gì? Để ứ, khật khùng nghe mậy.

Chú Đức làm Chúc săm soi mặt mũi, để ý tới vóc dáng nhiều hơn trước. Lúc nào Chúc cũng giắt lưng kè kè con dao lá liễu gọt khoai sắn, còn dùng soi mặt nước cạo râu. Tóc Chúc, lâu ngày không hớt, dài kín tai, phủ gáy. Nước da cháy nắng, nâu bóng. Chúc có cặp mắt một mí đa tình, đôi lông mày rậm, sống nũi thẳng giống bên ngoại, cái miệng cười có duyên và hàm răng chà bằng tro muối, trắng tinh. Chúc thích lội sông nên tay chân săn sẻ, ngực vai cân đối. Nghe kể, lúc nhỏ Chúc xấu háy, bệnh thời khí liên miên, nên bà nội kêu má đặt thầy tạc cho cái bùa hổ cốt hình trụ, biểu tượng nam tính, Chúc đeo tới bây giờ.

Thiếu phụ mà chú Đức gán cho Chúc có khuôn mặt ưa nhìn, nước da trứng gà bóc, tai tái. Chú Đức giới thiệu tên cô là Năm Bạch Liên, rồi ôm eo ếch đứa con gái khác, ngả ngớn lui vô buồng bên. Cô Năm tự nhiên nắm tay Chúc, dẫn vô phòng riêng, kéo màn. Chúc đứng lóng ngóng, tay chân thừa thãi, ngó cô cắm cúi châm tim đèn dầu trên bàn con, rồi vén mùng chui vô, đập muỗi vài cái chan chát. Thấy Chúc còn lần chần, cô Năm lên tiếng:

- Ủa, sao còn đứng đó? Tới đây, chú em!

Chúc lê tới gần, ngồi xuống mép giường, không cục cựa. Cô Nam biểu Chúc chui vô mùng, không thôi muỗi chích. Chúc làm theo, ngồi sượng đơ. Bàn tay cô Năm đặt lên vai Chúc, vần nhẹ. Rồi mạnh hơn. Có lúc cô lòn tay cào tóc Chúc, điểm ngón lên gáy, di chuyển dần lên đỉnh đầu và lần xuống hai vành tai, xoáy đều. Cứ vậy mà cô vân vê đầu tóc và bả vai Chúc. Đứa con trai khó cưỡng cảm giác mới lạ, lim dim khép mắt.

Lát sau, thiếu phụ quàng tay qua hai nách Chúc, chậm rãi cởi nút áo. Chúc vật người nằm sấp, giấu giếm. Cô Năm tấn mùng, rồi tự động trút bỏ quần áo, đắp người lên lưng Chúc. Cảm giác hai đầu vú săn chắc trườn khắp lưng trần đê mê làm sao! Ngũ quan Chúc bỗng chốc sa lầy vùng mê trận, cờ xí phất phới. Khi cô Năm lật ngửa Chúc, tháo dây lưng, đỡ đần cho vô thì Chúc đã lính quýnh phóng tinh xối xả. Chúc nẩy người, cổ họng ấm ứ hoan lạc, úp mặt xuống trũng ngực mềm mại, mát rượi của người đàn bà. Lát sau đứa con trai mới buông ra, ngửa nằm tênh hênh. Đỉnh mùng trắng nhờ sa xuống vòm mắt Chúc, lẩy bẩy mất hút. Chúc khép mắt làm thinh.

Cô Năm Bạch Liên để vậy, chờ cơn phóng dật Chúc lắng xuống mới lấy khăn chặm mồ hôi tươm hột trên ngực đứa con trai. Chúc hé mắt. Ánh đèn dầu hắt bóng người thiếu phụ lúi cúi lên vách mùng. Cô Năm nghếch chân, đắp khăn lên bụng Chúc, nằm sà một bên, thủ thỉ như an ủi:

- Khơi mào lần đầu, ai cũng vậy, chú em à!…

…Cái giọng thỏ thẻ hôm nào dội lại trí Chúc đêm nay, ngòn ngọt dư vị khoái cảm đầu lưỡi. Chúc bật cười lớn:

- Mấy cha biết hông, sau đó tui bị rệp cắn, gãi háng tới bật máu. Chú Đức đè tui ra, cạo sạch lông. Rát gần chết!

Rồi Chúc huyên thiên:

- Bận dắt trâu năm đó, về nhà, không ai nhận ra tui. Nghe giọng, mới biết. Cũng phải, vì tui giống như con gà trống thay mao, mọc cựa. Tóc tai dài cả tấc, cháy nắng vàng khè như tóc tây tà, tui túm đuôi cột lại. Da dẻ đen thui, ốm nhách. Áo quần, quai bị luộm thuộm, khét nắng hôi rình. Má với bà nội thấy tội, ôm tui khóc ròng. Còn ông nội hả hê, khen tui trổ mã, tốt tướng hẳn hoi.

Có một chi tiết, Chúc giấu.

Sau khi hành sự, cô Năm Bạch Liên luồn tay xuống chiếu, moi ra tờ giấy vàng sẩm gấp tư, đặt lên ngực Chúc, không nói. Chúc sửng mặt ngạc nhiên. Hai mắt cô Năm long lanh, chăm bẳm ngó Chúc, môi chúm chím thúc giục. Chúc mở ra. Chữ dấu in lem nhem. Phía trên có hình lưỡi liềm, bó lúa và chòm sao ba chiếc. Bên dưới là hàng chữ "Tổ quốc, Độc lập, Tự do". Bỗng dưng Chúc hồi hộp, ngực đập mạnh, không dám đọc tiếp, nhổm phắt dậy, úp tờ giấy xuống chiếu. Cô Năm thấp giọng:

- Thanh niên trai tráng như chú em vui chơi, chớ quên chuyện quốc sự. Nhựt lùn rút về nước, Tây tà trở lại, nhưng đang đối phó với muôn vàn khó khăn hậu chiến ở Âu châu. Thời cơ đã tới lúc chín muồi, chú em à! Mỗi người một tay, chẳng mấy chốc mà thành bão.

Chúc xoe mắt nhìn thẳng mặt người thiếu phụ. Thoắt cái, sắc diện ấy tiêu tán nét gợi cảm nữ tính mà trở nên dõng liệt, đanh thép. Chúc bối rối xỏ quần, vén mùng, ngồi vuốt lại mái tóc rối bù. Thiếu phụ tì ngực sát lưng Chúc, vòng tay xoáy ngón quanh lõm rún lơ thơ lông mịn. Cảm xúc Chúc tan chảy, nhoè nhoẹt lên trang giấy rời rạc mớ từ ngữ xa lạ…

(còn tiếp)


 
  góp ý kiến

 
   

  Kí hiệu: : trang cá nhân :chủ để đã đăng  : gởi thư  : thay đổi bài  :ý kiến

 
 

 


Nhà | Ghi danh Thành Viên | Thơ | Hình ảnh | Danh Sách | Tìm | Diễn đàn | Liên lạc | Điều lệ | Music | Link | Advertise

Copyright © 2024 Vietnam Single & Tim ban bon phuong All rights reserved.
Hoc Tieng Anh - Submit Website Today - Ecard Thiep - Hot Deal Network